Không Chuyên Chính Làm Sao Thắng Cử?

31/03/2009

Vũ Thạch

elsalvador-f1

Nếu có ai đặt câu hỏi rằng: “Một đảng Cộng Sản không nắm chuyên chính vô sản trong tay, tức không kiểm soát toàn bộ mọi mặt xã hội và mọi phương tiện quốc gia, liệu họ có thể thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ đúng nghĩa hay không?”.

Câu trả lời là CÓ, và vừa được chứng minh tại El Salvador qua cuộc bầu cử ngày 15 tháng 3 năm 2009 vừa qua. Trong cuộc bầu cử vừa kể, với con số cử tri cao nhất từ hai thập niên qua, Ông Mauricio Funes, đại diện liên minh FMLN, đã thắng ông Rodrigo Avila của đảng cánh hữu ARENA đang cầm quyền với tỷ số sít sao, 51,3% so với 48,7%.

Ông Mauricio Funes, Liên minh FMLN

Ông Mauricio Funes, Liên minh FMLN

Liên minh FMLN là chữ viết tắt của Frente Farabundo Martí para la Liberación National, tức Mặt Trận Farabundo Martí Giải Phóng Quốc Gia. Farabundo Martí là tên một trong những lãnh tụ chính sáng lập đảng Cộng Sản El Salvador vào thập niên 1930. Suốt 3 thập niên sau đó, đảng này chủ trương đấu tranh quần chúng là chính. Nhưng sau khi cuộc cách mạng 1959 nổi lên tại Cuba, nhiều nhóm Cộng Sản El Salvador chuyển sang đấu tranh võ trang suốt thập niên 1960 và 1970 dưới một số dạng liên kết với nhau.

Đến cuối năm 1979, chính lãnh tụ Fidel Castro của Cuba đích thân mở hội nghị tại thủ đô Havana và ép buộc các phe nhóm cộng sản El Salvador phải ngồi lại với nhau. Kết quả là mặt trận FMLN ra đời vào tháng 10, 1980, khởi đầu cho 12 năm nội chiến khốc liệt, khiến cho hơn 100.000 binh lính thuộc cả 2 phía cũng như dân chúng El Salvador thiệt mạng và mất tích.

Ông Rodrigo Avila, Đảng cánh hữu ARENA

Ông Rodrigo Avila, Đảng cánh hữu ARENA

Đến đầu thập niên 1990, chế độ Liên Sô không còn nữa để tài trợ cho Cuba, và vì thế Cuba cũng không còn tài trợ được cho FMLN để kéo dài thêm chiến tranh. Nhờ đó, một hiệp định hòa bình đã được phe cộng sản và phe quốc gia ký kết năm 1992. Từ đó đến nay, liên minh FMLN tham gia cả 8 cuộc tranh cử trong khuôn khổ thể chế dân chủ, từ cấp tổng thống đến thành viên hội đồng tỉnh. Và vào ngày 15 tháng 3 năm 2009 vừa qua, FMLN chiếm được ghế tổng thống mà đảng ARENA đã giữ suốt 20 năm.

Bản tin về cuộc bầu cử ở El Salvador hẳn là sẽ gợi lên trong lòng nhiều người Việt Nam sự tiếc nuối. Vào năm 1973, sau 20 năm chiến tranh tàn khốc cùng hàng triệu người bị hy sinh, Việt Nam cũng có một hiệp định hoà bình ký kết tại Paris. Phải chi sau đó hai miền thi đua phát triển trong hòa bình để xem hệ thống chính trị nào tốt hơn cho đất nước! Phải chi các lãnh tụ đảng CSVN đã không dùng Hiệp Định Paris 1973 làm bàn đạp cho Đại Thắng Mùa Xuân năm 1975 của Đảng, nhưng lại là Đại Bại cho cả dân tộc! Đến nỗi hơn 30 năm sau cái được gọi là “đại thắng “ đó, đất nước vẫn chưa xây dựng lại được những hạ tầng kinh tế, lòng người vẫn ly tán và xã hội ngày một thêm suy đồi ! Phải chi hơn 30 hơn năm đó Việt Nam không bị san bằng để xây dựng xã hội “xã hội chủ nghĩa”, và không bị gắn thêm cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” cho đến nay, thì điều có thể nói chắc là Việt Nam ngày nay không thể thua Hàn Quốc, Đài Loan, và bất kỳ nước thành viên nào của ASEAN. Và nếu thế, chắc chắn Việt Nam không bị nước Tàu ức hiếp một cách nhục nhã như hiện nay.

Sự tiếc nuối lịch sử không sửa chữa được lỗi lầm quá khứ, nhưng có thể là tiền đề cho sự vươn tới trong tương lai. Cuộc bầu cử tại El Salvador nêu trên cung cấp cho người ta nhiều bài học quan trọng để dứt bỏ những sai lầm kéo dài cho đến nay và vẫn đang đè nặng, làm cản trở sự vươn lên của đất nước. Những sai lầm do sự bưng bít và bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản Việt Nam dựng lên, đã bị cuộc bầu cử ở El Salvador phản chứng một cách cụ thể, có thể được liệt kê như sau:

Bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống El Salvador ngày 15 tháng 3 năm 2009

Bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống El Salvador ngày 15 tháng 3 năm 2009

- Không phải cứ thay đổi thể chế chính trị là phải đổ máu hay mất ổn định. Khẩu hiệu của liên minh cộng sản FMLN trong cuộc tranh cử 2009 dịch nguyên văn là: “Lần này thì khác – một chuyển đổi an toàn”.

- FMLN thắng cử mà không cần tới quân đội, hay những thủ đoạn thô bạo của công an, cũng như không cần độc quyền toàn bộ mọi phương tiện truyền thông. Quân đội, công an, và truyền thông đều không là công cụ của bất cứ đảng phái nào, mà là của người dân. Đã chẳng có ai đổ máu, hay bị bị mất việc vì thay đổi chế độ. Ngoại trừ các viên chức công cử cao cấp của chính phủ tiền nhiệm, nay đương nhiên mãn nhiệm.

- Đã từ lâu, FMLN không cần ngụy biện rằng, nước El Salvador còn nghèo, dân trí El Salvador còn thấp, nên không thể áp dụng dân chủ được. Chính họ công nhận rằng, dân chủ giúp cho các nước nghèo thoát cảnh nghèo nhanh hơn, và vững bền hơn.

- Trong thể chế dân chủ thực sự, những người cộng sản không những chẳng bị tàn sát, mà còn có thể được chọn ra nắm quyền, điều hành đất nước, theo qui luật dân chủ. Sự chọn lựa này do người dân quyết định tối hậu qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Với những cuộc bầu cử như vậy, dù đảng nào thắng cử đi nữa, thì cũng vẫn là thắng lợi của người dân.

- Không một đảng phái nào có công trạng đến độ mặc nhiên coi mình có quyền cai trị vĩnh viễn cả. Cả hai đảng ở El Salvador không đảng nào kể công là họ đã kết thúc cuộc nội chiến, để dựa vào đó mà nắm quyền vĩnh viễn. Thực tế cho thấy, các đảng chính trị, nhiều lắm thì cũng chỉ có thể cung cấp được hướng đi cho đất nước, còn thực hiện hướng đi đó là do công lao và hy sinh của người dân.

- Và sau hết, một đất nước muốn tiến bộ được, thì người dân nước đó phải có quyền tuyển lựa con đường, và người cầm lái thích hợp nhất cho từng thời kỳ, phù hợp với bước tiến của nhân loại. Không thể tiếp tục ì ạch bò lê dưới một chính phủ, dù chính phủ đó có công trạng gì đi nữa, mà nay vô năng, ruỗng nát trong gan ruột vì tham nhũng, và tê liệt trong não bộ vì tham quyền.

Liệu những người CSVN có dám tiến lên bằng với những người CS của một nước El Salvador nghèo đói, cựu thuộc địa, và chỉ có 1 lịch sử vỏn vẹn 170 năm không?


Cộng Sản Việt Nam Lọt Ổ Phục Kích Của Trung Quốc

26/03/2009

Lý Thái Hùng

ophuckich

Ngay sau khi xảy ra những xung đột mang tính chất “ẩu đả và dằn mặt” giữa hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ tại vùng Hải Nam hôm mồng 8 tháng 3, và ngay sau khi Phi Luật Tân công bố đạo luật xác định chủ quyền của mình trên 7.100 đảo lớn nhỏ trên Biển Đông, Trung Quốc đã mở chiến dịch ngoại giao để vừa ngăn chận các phản ứng trả đũa của Hoa Kỳ, vừa ngăn chận các quốc gia vùng Đông Nam Á đặc biệt là Cộng sản Việt Nam không làm giống như Phi Luật Tân.

Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ lại bản đồ Biển Đông mà họ gọi là Biển Nam Trung Hoa với chủ trương rằng chủ quyền của họ nằm trên toàn biển Đông Nam Á với hình lưỡi bò, kéo dài từ Hải Nam đến tận Mã Lai. Với hình vẽ này, có thể nói là chủ quyền của Trung Quốc đã chiếm trọn Biển Đông: các nước Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và những quốc gia khác mỗi khi đi qua vùng Biển Đông đều nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Chủ trương này không những đã vi phạm Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thông qua năm 1982 mà còn là mối đe dọa thường trực cho Đông Nam Á vì bản chất bá quyền này của Bắc Kinh.

Nhằm tránh né sự đối đầu cùng một lúc với các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bày ra trò đối thoại song phương với từng nước để gọi là hợp tác giải quyết các tranh chấp trong hòa bình. Gần đây, Hoa Kỳ và một số quốc gia vùng Đông Nam Á thấy rõ dã tâm của Bắc Kinh trong việc dùng chiêu bài đối thoại song phương với từng quốc gia chỉ là để làm phân hóa giữa các nước trong khu vực, đồng thời tiếp tục bành trướng các ảnh hưởng trên vùng Biển Đông như ngăn cản các tàu tuần dương của Hoa Kỳ, đe dọa những công ty tìm dầu trong khu vực. Do đó Hoa Kỳ đã tìm cách hình thành một cơ chế nhằm bảo đảm an toàn cho sự tự do lưu thông trên Biển Đông và nhất là chống lại các hành động bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh.

Khi thấy Phi Luật Tân công bố đạo luật xác nhận chủ quyền trên 7.100 đảo lớn nhỏ, Bắc Kinh đã tiến hành một số nỗ lực song hành.

Tàu Ngư Chính 311 của Trung Cộng

Tàu Ngư Chính 311 của Trung Cộng

Thứ nhất là tăng cường tàu chiến đến tuần tra khu vực vừa mới xảy ra xung đột với tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ tại khu vực đảo Hải Nam. Đặc biệt Bắc Kinh còn phái tàu Ngư Chính 311 đến tuần tra tại vùng Biển Đông để thị uy đối với Cộng sản Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai.

Thứ hai là Bắc kinh đã cử ngoại trưởng Dương Khiết Trì cấp tốc bay đi Hoa Thịnh Đốn gặp Ngoại Trưởng Hillary Clinton và tiếp kiến Tổng thống Obama để ‘hóa giải’ những xung đột đang căng thẳng trên vùng Biển Đông.

Thứ ba là Bắc Kinh đã đưa hàng loạt cán bộ cao cấp sang Hà Nội để không cho lãnh đạo Hà Nội có những phản ứng chống lại Trung Quốc.

Trong ba nỗ lực nói trên, Trung Quốc đã hoàn toàn chủ động trong các phản ứng của mình, đặt Cộng sản Việt Nam ở vào thế bị động. Chỉ cần nhìn vào sự lên tiếng yếu ớt của Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam nói rằng “Việt Nam quan tâm và sẽ theo dõi sát sự hoạt động của tàu này” khi bị báo chí quốc tế hỏi về việc Trung Quốc đã phái tàu tuần dương lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc mang tên Ngư Chính 311 đến khu vực Hoàng sa và Trường sa, cho thấy là Hà Nội không dám đương đầu với Bắc Kinh.

Trước hết, Bắc Kinh cử Đới Bình Quốc, Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc cầm đầu Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương sang Hà Nội thảo luận với Phạm Gia Khiêm, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng ngoại giao Cộng sản Việt Nam về những đàm phán trên biển. Tuy chỉ là một cán bộ thuộc hạng trung, không là ủy viên thường vụ bộ chính trị và cũng không ở cấp Bộ trưởng, nhưng Đới Bình Quốc đã được Hà Nội đón tiếp rất long trọng và gặp gỡ cả Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng. Cả ba đã nói cùng một tông điệu là ‘hai phía tiếp tục duy trì mối quan hệ bền vững lâu dài’. Lý do mà Hà Nội đã đón tiếp Đới Bình Quốc như thượng khách vì ông Quốc đã mang sang cho Hà Nội nhiều khoản tiền quan trọng trong lúc kinh tế đang gặp khó khăn. Qua sự thông báo chính thức của Đới Bình Quốc, Trung Quốc đã cấp cho Cộng sản Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi trị giá 300 triệu Mỹ Kim, nâng kim ngạch mậu dịch giữa hai bên lên 25 tỷ Mỹ kim vào năm 2010, và tiến đến cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã dùng tiền để bịt miệng lãnh đạo Hà Nội.

Trần Bình Đức và Nguyễn Tấn Dũng

Trần Bình Đức và Nguyễn Tấn Dũng

Kế đến, Bắc Kinh cử thêm Thượng tướng Trần Bình Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sang thăm và gặp gỡ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt Thượng Tướng Trần Bình Đức còn được tiếp đón long trọng ở Bộ quốc phòng và hội đàm với Thượng Tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng sản Việt Nam về vấn đề hợp tác an ninh chiến lược trên vùng Biển và Vịnh Bắc Việt. Trung Quốc biết rõ là trong hàng ngũ quân đội Cộng sản Việt Nam đã nổi lên một khuynh hướng chống mưu đồ bá quyền của họ trên Biển Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh – dù đã đưa tiền cho lãnh đạo Hà Nội – nhưng vẫn cố tìm cách lôi cuốn hàng ngũ quân đội Cộng sản Việt Nam để không có những vọng động quân sự với các tàu chiến của Trung Quốc.

Sự hiện diện của Đới Bình Quốc và Thượng tướng Trần Bình Đức ngay vào thời điểm xảy ra những căng thẳng ở Biển Đông cho thấy là Trung Quốc đã đi hai nước cờ. Một mặt dùng tiền bạc để mua thành phần lãnh đạo Hà Nội và dùng những hứa hẹn hợp tác an ninh chiến lược để ngăn chận những phản kháng chống Trung Quốc của thành phần quân đội Cộng sản Việt Nam. Rõ ràng là Cộng sản Việt Nam đã rơi vào ổ phục kích của Trung Quốc, nên đã không dám bày tỏ chủ quyền trên Biển Đông như Phi Luật Tân đã làm.

Lý Thái Hùng


Công Lý, Truyền Thông và Luật Sư

25/03/2009

Luật sư Lê Quốc Quân

congly-f1

Nhân chuyện tòa án Nhân dân TPHN chuẩn bị xét xử phúc thẩm 8 giáo dân vụ Thái Hà, Luật sư Lê Quốc Quân kể 3 câu chuyện về công lý, truyền thông và luật sư để thấy rõ tính mâu thuẫn và hài hước trong xã hội Việt Nam hôm nay.

1. Câu chuyện thứ nhất về Công lý

Phiên tòa phúc thẩm vụ Thái Hà sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 3. Tám con chiên chuẩn bị bước chân lên vành móng ngựa lần thứ hai trên đường kiếm tìm công lý.

Công lý xem ra vẫn là điều khá xa vời với họ trong một quốc gia mà truyền thông chỉ để phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người. Đơn kiện các cơ quan truyền thông đã bị trả và công an tuyên bố thẳng thừng luật sư của Họ sẽ không được ra tham dự phiên tòa.

Công lý gợi nhớ vụ kiện Dioxin. Trong khi các chuyên gia muốn bàn về chứng cứ pháp lý thì lãnh đạo lại chỉ quan tâm đến “nhiệm vụ chính trị”. Từ đó dàn đồng ca về công lý vang lên. Sự ồn ào nhiều khi đã che lấp sự thật và xóa nhòa những cơ sở pháp lý lẽ ra phải được nghiên cứu đầy đủ và viện dẫn lôgic.

Công lý của các giáo dân Thái Hà ngày 27 tới đây có kết thúc như Quyết định của Tòa án Hoa Kỳ hay không là điều dễ đoán vì chưa bao giờ luận cứ bào chữa cho vụ án chính trị được xem xét cẩn trọng. Nhưng nhiều nhà thờ bắt đầu một chiến dịch thắp nến cầu nguyện cho cả bị cáo và luật sư.

blog-dioxinornicotinCông lý là cái lý chung nhưng đòi hỏi thực thi trên từng cá nhân cụ thể. Có thể việc cầu nguyện cho những điều tưởng như đơn giản đó sẽ sẽ biến thành những cơn sóng thần cuốn đi nhiều thứ khác.

Bởi vì công lý không phải là một quyết định đơn thuần bằng giấy mà là sự hậu thuẫn của sự thật, lòng tin và niềm xúc động lớn lao. Công lý của hàng triệu giáo hữu Việt Nam và hàng triệu nạn nhân chất độc da cam không thể bị kết thúc đau đớn và thô bạo bằng một tờ giấy hoặc 1 cái lệnh mồm từ Lầu năm góc hay Bộ công an.

Công lý luôn có chỗ đứng mạnh mẽ vượt cả thời gian và không gian. Nó cho thấy mong ước lương thiện là một bản năng rõ rệt của con người và được đảm bảo bằng lịch sử.

2. Câu chuyện về truyền thông Việt Nam

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm – Bà Việt nói: “Luật sư ơi, mỏi cổ quá” vì bị cáo đã cố gắng ngẩng đầu trước hai “con quái vật một mắt” chạy rè rè xoáy vào chính họ trong suốt phiên xử.

Dù họ không hề nhận tội, bản tin thời sự vẫn loan tin rằng: “Các bị cáo đã cúi đầu nhận tội”. Giọng phát thanh viên đêm đó gợi cho ta nhớ về một chú Chí Phèo suy dinh dưỡng nằm ở phía bắc của đất nước nhiều nhân sâm.

Các giáo dân Thái Hà tại phiên tòa sơ thẩm hôm 8-12-2008. Hình: Vietcatholic

Các giáo dân Thái Hà tại phiên tòa sơ thẩm hôm 8-12-2008. Hình: Vietcatholic

Đứng trước cảnh vu cáo vênh vang đó, các bị cáo đã làm đơn kiện các cơ quan truyền thông. Đơn kiện của họ đã chính thức bị chối từ bằng một văn bản mà dù là người giỏi về Việt ngữ nhất cũng không hiểu thực chất là văn bản đó muốn nói đến cái gì.

Nhưng dù bị trả đơn thì việc tìm kiếm sự thật đã đem lại thắng lợi chung cho độc giả Việt Nam. Những cụm từ như “kim loại màu vàng” “chất bột màu trắng” hoặc “theo nguồn tin” đã được lặp lại nhiều hơn trong các bản tin trên báo chí gần đây.

Tuy nhiên, sự bảo thủ vẫn nằm ở các cơ quan truyền thông của Đảng. Trong khi các báo Tuổi Trẻ, Thanh niên điểm tin dè dặt về các sự kiện đối với các giáo dân thì Hà nội mới và Sài gòn giải phóng chạy những bài phóng sự vu cáo một cách thô thiển đến mức “mất khách”.

Rút kinh nghiệm từ việc hoang tin lần trước, lần đưa tin về phiên xử phúc thẩm sắp tới là một cơ hội để các cơ quan truyền thông sửa mình hoặc tiếp tục tra tấn độc giả bằng những ngôn từ phản cảm.

3. Câu chuyện về Luật sư và an ninh.

Câu chuyện của Luật sư Luật là một điển hình thú vị về luật pháp Việt Nam. Nó có thể là cốt truyện sinh động cho một trường thiên trinh thám.

Luật sư Lê Trần Luật đã 4 lần đào thoát để kiếm đường ra Hà Nội thực thi nhiệm vụ bào chữa của mình theo giấy của tòa án nhưng đều thất bại.

Lần 1 ông bị ghì chặt ở một siêu thị đông người khi thất bại trong nỗ lực biến mất giữa đám đông vì các chiến sĩ an ninh “thở sát ngay sau gáy”.

Lần 2 là khi cơ quan an ninh quyết định lục tung hành lý, can thiệp dừng chuyến bay để buộc Luật sư phải quay về công an Quận Gò Vấp “nghỉ ngơi”.

Lần thứ 3, nhờ đục thủng một bức tường mà Luật sư đã qua mặt được 4 mật vụ ngay trước cửa. Khi đang yên vị ở Xa lộ Hà Nội chờ chị Tần lên đường thì 15 người đã ập đến. Cú điện thoại gọi cho chị Tần, dù thay sim mới, đã bị định vị và cả một chiếc “đuôi công” đã theo Chị ùa vào gặp anh.

Trước 3 lần thất bại, có người hiến kế nên đi ăn trong một nhà hàng trên sông hoặc nhà nổi trên hồ rồi nhờ ca nô đi mặt sau tụt người xuống và lặn mất. Một thủ thuật vốn những điệp viên cộng sản thường dùng trong suốt những năm chiến tranh mang đầy màu sắc trinh thám trong những phim hành động siêu hấp dẫn.

Và cuộc đào thoát lần thứ 4 của Luật sư đã kết thúc vào lúc 3h30 sáng khi Luật sư đã cách Sài Gòn hơn 300 km. Lần này Luật sư bị chặn xe lại trong một biện pháp tổng lực là ngăn chặn tất cả các tuyến xe trên đường ra Hà Nội ngoài một lực lượng lớn kiểm soát đường sắt và đường thủy.

Một cán bộ an ninh đã nói “các ông dân chủ thời nay thích salon, ít phiêu lưu nên thiếu kịch tính”. Ít nhất điều này là sai đối với trường hợp LS Luật. Ông đã tạo ra sự hồi hộp, niềm say mê và vui mừng cao độ cho các mật vụ khi “chộp” được ông tại Huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.

LS Luật đã đem đến cho nhân viên an ninh cơ hội học tập. Nếu như trước đây chỉ cần có lệnh là “thịt” thì ngày nay những đòi hỏi về pháp quyền đã làm cho tất cả các bên lớn lên trong một nền tri thức nơi các giá trị đạo đức và trí thông minh có quyền thể hiện và chinh phục lẫn nhau.

Từ trái sang phải: Ngô Quỳnh, Lê Quốc Quân, Phạm Văn Trội, một người bạn

Từ trái sang phải: Ngô Quỳnh, Lê Quốc Quân, Phạm Văn Trội, một người bạn

Nhưng đừng tưởng bở vì tôi có kinh nghiệm buồn về chuyện này.

Tôi nhớ Phạm Văn Trội – một người bạn giờ đang trong tù – nhận được giấy mời của tòa án đến tham gia phiên phúc thẩm LS Đài và Công Nhân với tư cách là nhân chứng. Công an tỉnh Hà Tây lệnh không được đi. Nhưng vì tin vào pháp quyền mà tôi khuyên rằng: “Anh phải lên tòa vì nếu không tham dự, tòa có thể xử anh về tội xem thường tòa án”.

Anh Trội đã nghe lời mà lên Hà Nội. Khi đến trước cổng tòa án công an hô ầm lên như đuổi vịt: “Thằng Trội – bắt lấy nó”. Nhân chứng cầm tờ triệu tập của tòa co giò chạy nhưng mấy tay “ghét sách thích thể dục” nhanh chân rượt theo tóm được. Họ đập đầu nhân chứng vào một cây cột điện trước khách sạn Melia và tống thẳng về Hà Tây. Những cuộn cơ vô tri đó 1 tiếng sau tung chưởng vào bộ hạ Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và xiết chặt yết hầu tôi.

Hôm nay, Luật sư Luật đã được nhận giấy bào chữa của Tòa nhưng “Tao đố mày ra được Hà Nội. Nếu cần 1 ngàn người để chặn mày chúng tao vẫn có”.

Tuyên bố miệng đó của công an TPHCM là nhổ vào tòa án Hà Nội, là một cú tát vào nền tư pháp Việt Nam, vào những ai yêu mến pháp luật trước một phiên tòa đang thu hút sự chú ý cao độ của dư luận.

Luật sư Lê Quốc Quân
http://lequocquan.blogspot.com/


Đông Hải Và Tây Nguyên: Hai Vấn Nạn Một Vấn Đề

24/03/2009

Trần Hùng

dhtn-f1

Việt Nam hiện đang là một trong những tiêu điểm được chú ý trên thế giới. Có nhiều diễn biến liên quan đến Việt Nam hiện đang được dư luận người Việt trong và ngoài nước quan tâm, và cũng có những vấn đề được các quan sát viên quốc tế đặc biệt theo dõi. Trong thập niên trước đây, nhiều giới đầu tư ngoại quốc đã đến làm ăn tại Việt Nam vì đánh giá tình hình tại đây là “ổn định trên nhiều mặt”. Nay có nhiều công ty đang lục tục ra đi, khiến người ta hiểu rằng sự ổn định đó là giả tạo hoặc không còn nữa, nếu không phải là vì thứ hạng 117 trong số 124 quốc gia có “môi trường kinh doanh thuận lợi” mà Forbes mới công bố hôm cuối tuần. Sự việc mới nhất được đài BBC loan báo ngày 20-3 cho biết “công ty dầu hoả BP của Anh đã chính thức ngưng hợp tác với Petro Việt Nam trong việc thăm dò khai thác các mỏ dầu nằm ở phiá nam Côn Sơn”. Đây không phải là lần đầu tiên một công ty khai thác dầu hỏa ngoại quốc bỏ hợp đồng, và cũng không phải là lần đầu tiên BP phải rút lui như vậy. Sự bỏ chạy của BP vừa rồi chỉ cho thấy tình hình tại biển Đông ngày càng thêm phức tạp. Và thái độ của các bên liên quan ngày càng gay gắt hơn.

Thái độ đó trước đây được thể hiện bằng những ngôn từ ngoại giao, vừa qua đã được các chiến hạm trình diễn đầy sống động trên biển Đông. Vịnh Bắc Việt đã từng dậy sóng bởi khu trục hạm Maddox trong thời chiến tranh Việt Nam, vì thế khi chiếc tầu thám thính của Hoa Kỳ Impeccable bị các tầu Trung cộng áp sát một cách đầy khiêu khích vào tuần trước, không ít thông tín viên quốc tế đã chuẩn bị gửi đi những bản tin nóng. Tham vọng của Trung cộng ở biển Đông giờ đây không chỉ gặp những lời phản kháng suông của CSVN như từ trước đến nay, mà đã phải đón nhận những thách thức mới. Đầu tháng 3, Thủ tướng Mã Lai tới thăm một số đảo thuộc Trường Sa để khẳng định chủ quyền của mình. Năm ngày sau đó, xẩy ra sự kiện tầu Impeccable, và chỉ 2 ngày sau, Tổng thống Phi Luật Tân Gloria Arroyo ký đạo luật tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo của Trường Sa. Vấn đề biển Đông mà Trung cộng từ đầu vẫn muốn giữ – với sự tuân thủ của CSVN – trong vòng giải quyết song phương, để khai thác tối đa sự hung hãn của một nước lớn bá quyền, nay một lúc một chốc bị tất cả các bên lôi ra giữa chợ, đòi giải quyết đa phương, và có thể được đưa lên diễn đàn quốc tế. Phi Luật Tân cho biết đã đệ đơn lên LHQ về vấn đề này. Miếng mồi ngon bỗng có cơ vụt khỏi bàn tay của Đại Hán, khiến Trung cộng bầy tỏ sự bất bình bằng cách hủy bỏ những chuyến viếng thăm cao cấp đến Phi Luật Tân đã dự trù trước.

Tầu Trung cộng ngăn cản tầu Impeccable của Mỹ (hình AP)

Tầu Trung cộng ngăn cản tầu Impeccable của Mỹ (hình AP)

Vị trí đụng độ tại Đông hải

Vị trí đụng độ tại Đông hải

Có thể nói rằng thái độ mạnh mẽ của Phi Luật Tân đối với Trung cộng đã mở ra triển vọng mới để giải quyết vấn đề biển Đông, hoặc tối thiểu chặn bớt đà hung hãn của Bắc Kinh. Từ trước tới nay CSVN ngoan ngoãn tuân theo “lề bên phải” do Trung cộng đề ra, là chỉ được “đối đáp song phương” với nước đàn anh và cũng là quan thầy này. Việc “đối đáp” không phải là thái độ phải đạo của một nước đàn em, nhưng Bắc Kinh ngó lơ việc này, để Hà Nội được lập đi lập lại lời tuyên bố rỗng tuếch mỗi khi Trung cộng tiến thêm một bước: “Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế”.

Phạm Thanh Nghiên

Phạm Thanh Nghiên

Khi nhiều vùng đất đai và biển cả đã bị mất vào tay Trung cộng, khi những đối tác khai thác dầu hỏa đã bị Trung cộng đuổi ra khỏi biển Đông, và khi ngư phủ Việt Nam đã bị lính Trung cộng sát hại trên vùng biển của đất nước mình, thì lập trường nói trên chỉ là một cách tuyên bố đầu hàng. Vì thế, ngày nào mà tình trạng “song phương” nói trên vẫn còn tiếp diễn, thì tập đoàn tay sai ở Hà Nội vẫn không được làm gì hơn ngoài việc đàn áp thanh niên sinh viên yêu nước, bắt giam những người kêu gọi bảo vệ lãnh thổ, như họ đang giam giữ nhà dân chủ trẻ bất khuất Phạm Thanh Nghiên chỉ vì căng một tấm biểu ngữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” ở trong phòng khách của mình.

Hội thảo Biển Đông tại Hà Nội ngày 17/03/2009. Hình: báo Tổ Quốc

Hội thảo Biển Đông tại Hà Nội ngày 17/03/2009. Hình: báo Tổ Quốc

Ngay khi có tiếng nói mạnh mẽ của những quốc gia khác trong và ngoài vùng, đã có một số sự kiện đáng ghi nhận ở trong nước. Lần đầu tiên một cuộc hội thảo có chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” đã được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 17-3. Những phát biểu trong cuộc hội thảo sau đó được tường thuật trên trang báo điện tử VietnamNet của bộ Thông Tin – Truyền Thông dưới tựa đề in đậm: “Đối với Việt Nam, quốc tế hoá tranh chấp – mà một trong những cách quan trọng là đưa ra LHQ – là cần thiết để đương đầu với chiến lược và chủ trương của Trung Quốc”. Cho dù phải nương vào tiếng sóng vỗ của con tầu Impeccable, hay phải dựa vào làn hơi của bà tổng thống Phi Luật Tân để đưa hồ sơ biển Đông ra diễn đàn LHQ, thì đây cũng là sự thay đổi có chiều hướng tích cực. Với những bằng chứng lịch sử đầy giá trị xác định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta không ngại ngùng tranh đấu trên bất cứ diễn đàn quốc tế nào. Liên Hiệp Quốc và những bộ phận phụ thuộc của nó là những địa chỉ thích hợp.

Những phát biểu trong cuộc hội thảo ngày 17-3 tại Hà Nội cho thấy khuynh hướng đi theo lề bên phải do Bắc Kinh vạch ra đang bị lấn áp. Có kinh nghiệm về sự vận hành của một chế độ độc tài, người ta biết cuộc hội thảo nói trên đã không thể diễn ra một cách êm xuôi nếu không được sự đồng tình của chế độ. Vì thế, có thể nghĩ rằng một thành phần lãnh đạo Việt cộng cũng muốn thoát ra khỏi sự khống chế của Trung cộng, đem vấn đề biển Đông ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, sự việc không thể đi đến kết luận một cách đơn giản như vậy. Sự phân hoá trong thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản vốn trầm trọng nhưng cũng rất gay go. Nếu không tiếp tục có nhiều áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài, thì không có gì bảo đảm rằng CSVN sẽ dám bước chân vào con đường “quốc tế hoá” vấn đề biển Đông mà quốc gia nhỏ bé Phi Luật Tân đã có can đảm mở ra. Ngay sau khi những diễn biến nói trên vừa xẩy ra, uỷ viên bộ chính trị CSVN Phạm Quang Nghị đã phải đi Bắc Kinh để triều kiến. Trung cộng cũng gửi một ủy viên trung ương đảng đến Hà Nội để trực tiếp ban huấn dụ cho 3 nhân sự chóp bu của Việt cộng là Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng. Người ta có thể tin rằng những thành phần này sẽ không bán rẻ quyền lợi của đất nước hay không?

Tương tự như vấn đề hải đảo ở biển Đông, vấn đề bauxite trên Tây nguyên cũng bắt nguồn từ hiểm họa phương Bắc. Đã có vô số những bài nghiên cứu đầy tính khoa học của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho thấy đây là một kế hoạch bất lợi về kinh tế và xã hội, bất cập về môi sinh và nhân văn, cũng như bất ổn về an ninh quốc gia. Và đã có những chứng cứ rõ ràng cho thấy đây là kế hoạch do Trung cộng đề ra buộc Hà Nội phải thực hiện, để phục vụ cho quyền lợi của Bắc Kinh, bất chấp những hậu quả mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu. Không cần gợi nhớ lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, người ta cũng biết rằng hiểm họa này là vô cùng to lớn. Vì thế, đã nổi lên dư luận cảnh báo mạnh mẽ từ nhiều thành phần người Việt ở trong cũng như ở ngoài nước. Tuy nhiên, cũng chính qua trường hợp này mà người ta thấy rõ bản chất tay sai của lãnh đạo Hà Nội, qua lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng “đây là chủ trương lớn của đảng và nhà nước”, cho dù họ không thể chứng minh tính chất lợi ích cho dân tộc cũng như an toàn cho lãnh thổ Việt Nam.

Nhìn toàn bộ vấn đề Việt Nam hiện nay, người ta thấy những hiểm họa đang đè nặng lên dân tộc Việt Nam – qua việc tranh dành những mỏ dầu hỏa ở biển Đông cũng như những mỏ bauxite ở Tây nguyên – đều phát xuất từ tham vọng của Trung cộng, do nhu cầu về nguyên liệu to lớn của họ để phát triển kinh tế. Nỗ lực trước mắt của chúng ta là phải quảng bá bằng mọi phương tiện để tất cả người dân đều hiểu rõ được mối hiểm nguy đó, đồng thời tạo áp lực mạnh mẽ lên chế độ để ngăn chặn những kế hoạch này. Về đường dài, tích cực đẩy mạnh nỗ lực đấu tranh dân chủ. Một khi chủ quyền thực sự nằm trong tay người dân, quyền lợi của đất nước sẽ được bảo vệ, và lúc đó, vấn đề biển Đông hay Tây nguyên sẽ không còn là niềm quan ngại cho dân tộc nữa.


Từ Tây Tạng đến Việt Nam

24/03/2009

Nguyễn Thanh Văn

taytang-f1

Kỷ niệm 50 năm cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng chống lại sự thống trị của Trung quốc, ngày 10 tháng 3 vừa qua, cộng đồng Tây Tạng khắp nơi đã biểu tình phản đối Trung Quốc và biểu lộ sự kiên trì đấu tranh cho một đất nước Tây Tạng độc lập. Đây là điều Bắc Kinh vẫn lo ngại, đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của người dân Tây Tạng vào dịp này năm ngoái, mà sự đàn áp đẫm máu của Bắc Kinh đã khiến các cuộc rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh trở thành những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp thế giới. Do đó, từ nhiều tháng qua, chính quyền Cộng sản Trung quốc tại Tây Tạng đã lên tiếng báo động là cần phải thêm quân, để đủ sức đương đầu với điều họ gọi là «âm mưu nổi loạn của bè lũ Đạt Lai Lạt Ma».

Tuy rằng từ gần một năm nay, Bắc Kinh đã cô lập Tây Tạng với thế giới bên ngoài, nhưng hôm 9 tháng 3, ông Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố là cần phải «thiết lập một bức vạn lý trường thành» để «bảo vệ đất mẹ», và gởi thêm quân sang tăng cường kiểm soát Tây Tạng. Trước sự kiện này, Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người ôn hòa, chỉ yêu cầu cho Tây Tạng được tự trị, cũng phải lên án việc Bắc Kinh là “diệt chủng văn hoá” và biến Tây Tạng thành “địa ngục trần gian”.

Tháng 10 năm 1949, sau khi chiếm được Hoa Lục, Mao Trạch Đông đã xua quân xâm lăng Tây Tạng. Ngay sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi một phái đoàn đến Liên Hiệp Quốc để yêu cầu cộng đồng thế giới giúp ngăn chận sự xâm lăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc lúc đó đang bận tâm với chiến tranh Triều Tiên, nên đã lơ là vấn đề của Tây Tạng. Thấy cuộc vận động không thành, Đức Đạt Lai Lạt Ma gởi một phái đoàn tới Bắc Kinh để thương thuyết. Bắc Kinh buộc Tây Tạng ký bản Hiệp Ước 7 Điểm về „Giải Phóng Hòa Bình Tây Tạng“, công nhận chính quyền địa phương Tây Tạng có quyền quản trị các vấn đề nội bộ, nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Sau hiệp ước đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi dân chúng sống chung hòa bình với Trung Quốc. Tuy nhiên, với bản chất xâm lăng và đồng hóa của Bắc Kinh, sự bất đồng giữa hai bên ngày càng gia tăng. Năm 1959, khi âm mưu bắt cóc Đức Đạt Lai Lạt Ma của Bắc Kinh bị bại lộ, người dân Tây Tạng nổi dậy ở nhiều nơi, và bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu, khiến 87.000 dân Tây Tạng thiệt mạng; Đức Đạt Lai Lạt Ma và mấy chục ngàn dân Tây Tạng phải lánh nạn qua Ấn Độ, thành lập chính phủ lưu vong. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, đa phần các tu viện tại Tây Tạng bị phá hủy và hàng ngàn người dân Tây Tạng bị giết.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ra đi, Bắc Kinh xử dụng các Ban Thiền Lạt Ma để cai trị. Nhưng Bắc Kinh luôn kiểm soát rất chặt chẽ việc xác nhận vị Ban Thiền Lạt Ma kế nhiệm, để nối tiếp vị lạt ma tiền nhiệm đã qua đời. Vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 hiện nay là Gyaincain Norbu, không phải là người do Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn. Người mà đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn là Gedhun Choekyi Nyima.

Năm 1995, vị ban thiền được đức Đạt Lai Lạt Ma lựa chọn để kế nhiệm, lúc đó mới 6 tuổi đã bị mất tích, sau khi bị Trung Quốc bắt giữ.

Những gì diễn ra ở Tây Tạng 50 năm qua là điều luôn gợi lại cho dân tộc Việt Nam những đau thương mà dân tộc ta đã từng trải, với nhiều lần là nạn nhân của dã tâm bành trướng và diệt chủng của Trung Quốc. Hiểm họa xâm lược từ phương bắc luôn luôn là thực tế và là điều mà người Việt Nam lúc nào cũng cảnh giác. Chính lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vào đầu thập niên 1980 đã phải thừa nhận sự thật này trong các tài liệu do họ phát hành.

Nhưng ngày hôm nay, không may cho dân tộc và đất nước chúng ta là tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam chỉ vì quyền lợi và quyền lực của họ, đã bịt mắt và bắt toàn dân thờ lạy 16 chữ vàng của Bắc Kinh. Sau những hiệp ước nhượng đất, nhượng biển, nay họ rước hàng ngàn người Trung Hoa vào Tây Nguyên để tiến hành khai thác bô-xít, hầu thoả mãn ý muốn của Bắc Kinh; dù rằng các nhà khoa học, quân sự và nhiều giới đồng bào đã liên tục lên tiếng cảnh báo về những hậu quả khôn lường trong việc khai thác này. Bên cạnh các vấn đề về môi trường, kinh tế, người ta đã đặc biệt nhấn mạnh về tính cách chiến lược sinh tử của Tây Nguyên đối với Việt Nam. Đến nỗi, vào năm 1975, khi được Bắc Kinh đề nghị viện trợ 2000 xe vận tải vào Trường Sơn, nhưng phải cho 500 lái xe người Trung Quốc đi cùng, chính cố tổng bí thư Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn đã nói: “Một thằng tôi cũng không cho… Nó nói đưa người vào giúp ta, nhưng thực chất là muốn đưa dân vào lập làng, lập huyện người Tàu ở Trường Sơn và Tây Nguyên. Nắm được Trường Sơn và Tây Nguyên là khống chế được toàn Đông Dương”.

Chắc chắn Bộ Chính Trị đảng CSVN hiện nay không phải là ngây thơ, để không biết sự nguy hại của việc khai thác bô-xít, đặc biệt là việc đem hàng ngàn, và có thể là hàng vạn người Trung Hoa vào Tây Nguyên; một việc đã được nhiều người mô tả là hành động „rước giặc vào nhà“. Và chắc chắn ngay bây giờ họ vẫn có thể ngưng cấp phép cho người Trung Hoa vào Tây Nguyên, hoặc hủy bỏ dự án nếu họ muốn. Nhưng ai có thể chặn đứng được sự đen tối của họ, nếu không phải là những người Việt Nam còn lương tâm và trách nhiệm với đất nước?

***

(*) Theo lời bà Bẩy Vân, vợ của cố Tổng bí thư CSVN Lê Duẩn trả lời phỏng vấn đài BBC


Cộng Sản Việt Nam Nên Bắt Chước Phi Luật Tân

22/03/2009

Trung Điền

csvn-phi

Ngày 11 tháng 3 vừa qua, Tổng Thống Phi Luật Tân bà Gloria Macapagal Arroyo đã ký một đạo luật xác nhận chủ quyền của Phi Luật Tân trên những quần đảo thuộc Biển Đông. Theo đạo luật này, Phi Luật Tân tái xác định chủ quyền của họ trên 7,100 quần đảo lớn nhỏ trong vùng biển của Phi bao gồm cả những chùm đảo Trường sa và Scarborough Shoal đang nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam. Trong một cuộc họp báo công bố đạo luật này, Bộ trưởng hành pháp Phi Luật Tân, ông Eduardo Ermita đã nói rằng: “Việc Phi Luật Tân ký văn kiện luật nhằm gửi một thông điệp đến toàn thế giới là Phi đang tái xác định chủ quyền quốc gia… vì ích lợi quốc gia của chúng tôi”.

Ngay sau khi Phi Luật Tân công bố đạo luật tái xác định chủ quyền các quần đảo trên biển Đông, tòa đại sứ Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho đây là hành động khiêu khích. Phía Cộng sản Việt Nam thì kêu gọi chính quyền Phi kềm chế hành động có thể làm sự tranh chấp trở nên nghiêm trọng. Nói chung phản ứng của các quốc gia liên hệ trong vụ tranh chấp các quần đảo ở Biển Đông chỉ mới lên tiếng chừng mực. Trong khi đó, thái độ của Phi Luật Tân là hòa nhã giải thích với các nước lên tiếng chống đối. Bộ ngoại giao Phi Luật Tân đã cho biết là việc Phi thông qua đạo luật không những nhằm tái khẳng định chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa và Scarborough Shoal mà còn để xác định đường biên giới cơ bản và thềm lục địa mở rộng của Phi.

Sự kiện Phi ban hành đạo luật nói trên nhằm đáp ứng yêu cầu của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các quốc gia đã ký vào Hiệp ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (1982) phải nộp bản đăng ký thềm lục địa mở rộng trước ngày 13 tháng 5 năm 2009. Theo Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mỗi quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc quyền kinh tế này, mỗi quốc gia ven biển có quyền khai thác kinh tế đối với biển và đáy biển. Công ước này còn quy định là nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng bên ngoài 200 hải lý là thềm lục địa mở rộng.

Thời gian gần đây, Cộng sản Việt Nam qua phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ ngoại giao hay lên tiếng xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mỗi khi có những va chạm với Trung Quốc. Thật ra sự lên tiếng này cũng chỉ bắt đầu từ năm 2008 sau khi bùng nổ phong trào thanh niên sinh viên chống Trung Quốc lập đơn vị hành chánh Tam Sa trực thuộc đảo Hải Nam để quản trị hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa vào cuối năm 2007. Nếu không có cuộc chống đối rộng lớn này, Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước những thái độ bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông từ nhiều thập niên qua.

Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam từ ngàn xưa. Nhưng chính công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng ký vào năm 1958 công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo vùng Biển Đông đã làm cho Cộng sản Việt Nam ở vào thế lúng túng. Tháng 9 năm ngoái, một số đông cựu chiến binh Cộng sản Việt Nam đã gửi thư yêu cầu nhà cầm quyền hủy công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng nhưng lãnh đạo Hà Nội không dám làm. Nếu Cộng sản Việt Nam thật sự muốn bảo vệ đất nước và nhất là bảo vệ những vùng lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông, lãnh đạo Hà Nội nên học theo cách làm của Phi Luật Tân. Chính thức công bố một đạo luật tái xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng sa – Trường sa.

Trên mặt công pháp quốc tế, từ năm 1945 cho đến nay, Cộng sản Việt Nam chưa có một văn kiện pháp lý nào để xác định chủ quyền của mình trên vùng tranh chấp biển Đông trong khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam đã có Bạch Thư xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Ngay cả việc đệ đơn thỉnh nguyện đến Ủy ban phân định thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc vào năm 1999, nhằm yêu cầu mở rộng thềm lục địa từ 200 hải lý đến 350 hải lý theo Công ước của Liên Hiêp Quốc về Luật Biển, Hà Nội cũng không làm. Sau 10 năm (1999- 2009), Liên Hiêp Quốc cho triển hạn việc nộp đơn thỉnh nguyện, Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục im lặng không chịu nộp đơn. Hành động này của Cộng sản Việt Nam chỉ có thể giải thích qua hai trường hợp.

Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam không quan tâm gì đến chủ quyền trên Biển Đông. Những sự lên tiếng tái xác nhận chủ quyền qua phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ ngoại giao chỉ mang tính xoa dịu và trấn an dư luận mà thôi. Nếu thật sự quan tâm đến chủ quyền, đảng Cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều cách để lên tiếng trước công luận thế giới như hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng, ra đạo luật tái xác định đường cơ sở như Phi Luật Tân và nhất là nộp đơn cho Ủy ban phân định thềm lục địa Liên Hiệp Quốc để yêu cầu mở rộng thềm lục địa trên 200 hải lý. Với những hành động này, Việt Nam đã chính thức xác định chủ quyền của mình trước dư luận quốc tế, làm cơ sở cho những cuộc đàm phán về tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong hiện tại và tương lai. Không có những nỗ lực này, Việt Nam sẽ không chỉ mất hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà còn lần lượt mất chủ quyền trên nhiều quần đảo khác ở Biển Đông do thái độ vô ý thức và vô trách nhiệm này của lãnh đạo Hà Nội.

Thứ hai, Cộng sản Việt Nam không dám làm phật lòng đàn anh Bắc Kinh. Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, Cộng sản Việt Nam đã tìm đến Trung Quốc như chỗ dựa mới. Gần hai thập niên qua, Cộng sản Việt Nam đã rập khuôn theo các bước đi cải cách của Bắc Kinh và hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại. Không những thế, Bắc Kinh đã dùng tiền và quyền lợi để lôi kéo một thành phần cán bộ rất lớn trong đảng Cộng sản Việt Nam ngã theo Bắc Kinh để phục vụ các quyền lợi của Bắc Kinh. Hai hiệp ước về biên giới ký với Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt ký với Trung Quốc năm 2000 cũng như cho phép Trung Quốc hợp tác khai thác mỏ Bauxite tại Tây Nguyên từ năm 2008 trở đi trong vòng 25 năm là những sản phẩm khấu tấu của lãnh đạo Hà Nội đối với đàn anh Phương Bắc. Chính sự lệ thuộc quá nặng nề này, thành phần lãnh đạo Hà Nội hiện nay không dám làm bất cứ điều gì gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Sự kiện 5 tàu Trung Quốc vây quanh tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ hôm mồng 8 tháng 3 dẫn đến những căng thẳng quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên biển Đông hiện đang làm cho dư luận thế giới quan tâm. Điều đáng chú ý là sau ba ngày xảy ra sự vụ nói trên, Tổng Thống Phi Luật Tân đã ký đạo luật xác nhận chủ quyền trên Biển Đông cho thấy là Phi Luật Tân đã không hề lo ngại về thái độ hung hãn của hải quân Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đang hung hăng chứng tỏ uy quyền trên vùng biển Đông, nhưng chắc chắn là các quốc gia Đông Nam Á sẽ không chấp nhận và sẽ có phản ứng. Liệu Cộng sản Việt Nam có dám đứng thẳng người bênh vực quyền lợi của dân tộc như Phi Luật Tân đã làm hay không?

Trung Điền


Thư Ngỏ của đảng Việt Tân Về Việc Khai Thác Bauxite Tại Tây Nguyên

20/03/2009

vt-flag

Kính thưa đồng bào,

Nhìn lại tiến trình phát triển trong những thập niên vừa qua, nhiều nước trên thế giới đã và đang phải ân hận về những kế hoạch phát triển bất chấp các hậu quả lên môi trường sống. Nhiều loại bệnh hoạn, dị tật lên con người và mức độ diệt chủng các loại sinh vật, cây cỏ trong những vùng bị ảnh hưởng đã trầm trọng đến độ nhân loại phải đưa ra một định nghĩa mới về phát triển. Hầu hết các nước trên thế giới ngày nay càng lúc càng phải chấp nhận và tuân theo các định luật về phát triển bền vững — tức phát triển không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải duy trì được lực tái tạo nguồn sản xuất và không để lại tác hại quá lớn cho thế hệ tương lai.

Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại đang đi ngược lại xu hướng này bất kể các hiểm họa rất hiển nhiên cho nhiều thế hệ Việt Nam hiện tại và tương lai.

Từ hơn 3 năm qua, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã âm thầm hợp tác với Trung Quốc khởi động việc khai thác các mỏ bauxite tại Tỉnh Đắk Nông và Tỉnh Lâm Đồng thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam. Chỉ sau khi sự việc bị tiết lộ ra công luận, ông Nguyễn Tấn Dũng mới tuyên bố đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước trong cuộc họp báo vào chiều ngày 4 tháng 2 năm 2009, và cho biết một hội nghị khoa học sẽ được triệu tập để trình bày các mặt lợi hại của việc khai thác bauxite tại Việt Nam. Nhưng đó chỉ là những bài bản đã được phổ biến trước đây trong nội bộ Trung Ương Đảng, bao gồm những dữ liệu có chủ đích riêng, dựa trên những kỹ thuật thô sơ, và do chính các công ty đấu thầu Trung Quốc cung cấp.

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Đắk Nông

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Đắk Nông

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Bảo Lâm

Cơ quan chỉ đạo khai thác bauxite tại Bảo Lâm

Sự kiện này cho thấy những người lãnh đạo đảng CSVN đã lấy một quyết định có mức hiểm họa rất lớn đối với môi trường sống của hàng triệu người dân tại Tây Nguyên và dọc theo hệ thống sông Đồng Nai mà KHÔNG dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học khách quan và các kinh nghiệm đắt giá của thế giới.

Thật vậy, hầu hết các nhà khoa học Việt Nam vừa lên tiếng trong thời gian qua đều chứng minh các điều sau:

  • Mức thu thập kinh tế kém ở tầm vóc quốc gia. Tây Nguyên hiện đang rất thiếu điện, nước, và các phương tiện vận tải. Do đó giá thành chế biến quặng bauxite khó có thể cạnh tranh với Úc, Ấn Độ, mà chỉ khiến Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc làm nơi tiêu thụ.
  • Hiểm họa môi sinh rất cao. Số lượng bụi đỏ và bùn đỏ, một phó sản trong quá trình tinh luyện quặng bauxite rất độc hại, hủy diệt mọi sinh vật và cây cối trong vùng. Hơn thế nữa, khi mưa rơi xuống sẽ đưa số bùn đỏ này vào các sông, suối, và mạch nước ngầm làm nhiễm độc các nguồn nước không chỉ cho toàn vùng Tây Nguyên mà còn dẫn xuống cả các tỉnh miền Nam.
  • Chưa có cách nào tẩy độc. Hiện nay thế giới chưa có kỹ thuật tẩy độc hữu hiệu nào đối với các vùng đất bị nhiễm bùn đỏ. Chính vì lý do này mà nhiều nước đã không còn cho khai thác bauxite. Các mỏ khai thác tại Úc Châu phải chấp nhận chứa bùn đỏ tại các vùng sa mạc không mưa và không có dân cư. Ngay cả Trung Quốc nay cũng chấp nhận đóng cửa nhiều mỏ bauxite tại nước họ và chuyển sang đầu tư khai thác tại nước khác
  • Ảnh hưởng kinh tế trầm trọng. Vì các độc tố bùn đỏ lan tràn vào nguồn nước nên ngành khai thác rừng và các ngành trồng cao su, cà phê, trà, tiêu, hạt điều, v.v… sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng và lâu dài. Nếu tính cả các khoản thiệt hại này, rõ ràng việc khai thác bauxite không đem lại lợi ích cho cả dân tộc mà chỉ làm giàu một số nhỏ quan chức trực tiếp liên hệ.
  • Gieo rất nhiều đau khổ lên con người. Hàng triệu đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là đồng bào sắc tộc, không chỉ mất nơi sinh sống, mất các nền văn hóa đặc thù, mà còn sẽ phải gánh chịu đủ loại bệnh hoạn, dị tật, quái thai khủng khiếp qua nhiều thế hệ tương lai. Hàng chục triệu người khác sống dọc theo nguồn nước của sông Đồng Nai, hồ Trị An, v.v… cũng không thoát khỏi tai họa nêu trên. Đó là chưa kể đến các loại rau trái từ vùng này cung cấp cho cả nước.

Kính thưa đồng bào.

Sức tàn phá của bùn đỏ bauxite là một hiểm họa không phân biệt Kinh – Thượng, giàu nghèo, tôn giáo, hay chính kiến. Hiểm họa này đe dọa lây lan ra cả nước và có thể truyền tới những thế hệ Việt Nam tương lai. Đây là hiểm họa cho cả dân tộc!

Trách nhiệm gây ra hiểm họa này chính là từng thành viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN.

Nếu thực sự tin rằng quyết định khai thác bauxite tại vùng Tây Nguyên là chính đáng, Bộ Chính Trị đảng CSVN hãy dám tạm ngưng toàn bộ dự án cho đến khi đồng bào toàn quốc được nghe, đọc đầy đủ các dữ kiện lợi, hại về việc khai thác này; đồng thời hãy dám mở cánh cửa thông tin để mọi người dân có thể tiếp cận với những kinh nghiệm khai thác bauxite của thế giới.

Trước tình trạng này, chúng tôi, mọi đảng viên Đảng Việt Tân, nguyện đóng góp hết sức mình trong nỗ lực:

  • Góp phần đem tối đa dữ kiện đến đồng bào khắp nơi, đặc biệt là hình ảnh, tin tức điều tra các dự án khai thác “âm thầm” quặng bauxite của nhà nước CSVN với Trung Quốc tại Tây Nguyên. Chúng tôi kêu gọi đồng bào và công nhân viên đang sinh sống tại Nhân Cơ, Bảo Lâm, và các vùng khai thác quặng bauxite khác hãy tiếp tay truyền ra các dữ kiện tàn phá môi sinh và tên tuổi các cán bộ trách nhiệm.
  • Hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam trong nỗ lực nghiên cứu và lên tiếng báo động dân tộc về mọi mặt nguy hiểm của bùn đỏ bauxite. Chúng tôi đặc biệt đề nghị và hỗ trợ quí vị thuộc giới y sĩ trong việc soạn thảo các tài liệu báo nguy về mặt sức khỏe và các biện pháp giảm thiểu tác hại.
  • Vận động các tổ chức bảo vệ môi sinh và nhân quyền quốc tế để tạo áp lực lên nhà cầm quyền CSVN phải ngưng các dự án khai thác bauxite. Chúng tôi đặc biệt đề nghị và hỗ trợ quí vị thuộc giới luật gia điều nghiên các luật lệ quốc tế để khi điều kiện cho phép có thể truy tố các nhân sự trách nhiệm về mức độ thiệt hại nhân mạng và hủy hoại môi sinh do bùn đỏ bauxite gây ra.

Ngày 20 tháng 3 năm 2009
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-1678


Điều trần và vận động nhân quyền tại Quốc Hội Úc

20/03/2009

qh-f1

Trong mục tiêu vận động sự hậu thuẫn quốc tế, phái đoàn của Đảng Việt Tân gồm Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng; Ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong, Ủy viên Trung Ương; và Ông Trương Minh Đức, Đại diện Úc Châu đã dành trọn nguyên ngày cho chuyến công tác trong Quốc Hội Úc tại Canberra.

Vào lúc 10.30 sáng, ngày 19/03/2009, phái đoàn đã điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền – thuộc Ủy Ban Phối Hợp Quốc Phòng, Ngoại Giao và Ngoại Thương của Quốc Hội Liên Bang Úc – về tình trạng vi phạm quyền làm người tại Việt Nam và đề nghị một vài phương thức xây dựng nền tảng dân chủ và cơ chế nhân quyền trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.

Điều Trần

Trong phần mở đầu, ông Đỗ Hoàng Điềm đã xác định mục tiêu của Đảng Việt Tân là đấu tranh dựa trên sức mạnh của quần chúng để cải thiện tình trạng nhân quyền và thúc đẩy sự thay đổi thể chế chính trị hiện tại một cách ôn hòa tại Việt Nam.

Ông đã đưa ra một số trường hợp các nhà đấu tranh bị bắt bớ và giam giữ một cách tùy tiện như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Ngô Quỳnh, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Túc và Phạm Văn Trội. Đặc biệt là trường hợp của cô Phạm Thanh Nghiên, mặc dầu đã bị giam giữ hơn 6 tháng, nhưng gia đình vẫn chưa được phép thăm nuôi, sức khỏe của cô đang bị sa sút trầm trọng.

Song song, Ông cũng đã vạch trần sự đàn áp Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Internet của nhà cầm quyền Việt Nam, qua việc bắt giam hai ký giả Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, họ bị bắt vì phơi bày vụ biển thủ nhiều triệu đô-la ở bộ Giao Thông Vận Tải. Trường hợp Điếu Cày là một ví dụ điển hình của những người viết Blog bị giam giữ vì dám lên tiếng về hiểm hoạ mất lãnh thổ vào tay Trung Quốc.

Ông đã nêu rõ về sự đàn áp các tôn giáo của cộng sản Việt Nam qua sự sách nhiễu Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, nhúng tay vào nội tình của Công Giáo, bắt bớ những giáo dân khi họ xuống đường đòi trả lại tài sản cho Giáo Hội tại Thái Hà.

Ông tuyên bố: “Không có công đoàn độc lập nào được thừa nhận ở Việt Nam. Công nhân bị ngăn cấm thành lập hay tham gia vào bất cứ công đoàn độc lập nào”. Chỉ có một công đoàn quốc doanh do Chính phủ Việt nam thành lập gọi là Tổng Công Đoàn Lao Động Việt Nam. Ông lên án chính phủ Việt Nam đã trắng trợn vi phạm nghiêm trọng Quy Ước Lao Động Quốc Tế khi kiểm soát công nhân một cách chặt chẽ và ngăn cấm các cuộc đình công tự phát .

Trước khi đề nghị cùng chính phủ Úc về một cơ cấu nhân quyền cho vùng Á Châu Thái Bình Dương, Ông đã kêu gọi Chính Phủ Úc cần có những cuộc đối thoại song phương với Việt Nam về nhân quyền. Những cuộc đối thoại nên chú trọng đến việc xây dựng quyền Tự Do Báo Chí, tự do thông tin trên mạng lưới Internet và quyền Tự Do Hội Họp.

Ông cho rằng giải pháp cho nhân quyền là cần kiến tạo một xã hội dân chủ, nơi mà các công dân có quyền chọn lựa một thể chế chính trị và buộc chánh phủ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Ông kêu gọi Chính Phủ Úc hãy ủng hộ nhân dân Việt Nam và các quốc gia bị đàn áp khác bằng cách lên tiếng về những sự sách nhiễu nhân quyền, tiếp tay xây dựng một xã hội dân sự và hỗ trợ cho các tập hợp dân chủ, đồng thời liên tục áp lực chế độ hiện tại buộc phải thay đổi.

Ông tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ việc đề xướng của Nhóm Điều Nghiên Cơ Chế Nhân Quyền để hình thành một ủy hội nhân quyền liên chánh phủ. Ông đề nghị tất cả các quốc gia hội viện ASEAN đều đương nhiên trở thành hội viên chính thức của Ủy Hội này. Ủy Hội sẽ hành xử như là một bộ phận quan sát để bảo đảm mọi khiếu nại được lắng nghe và các khuyến cáo được áp dụng.

Phần đặt câu hỏi và trả lời:

Bà Chủ Tịch Tiểu Ban Kerry Rea đã nêu ra một câu hỏi là ở Việt Nam đã có ai dùng luật để thách thức hiến pháp của Việt Nam hay chưa. Phái đoàn đã cho Bà biết là cũng đã có nhiều người trong nước lên tiếng về sự vô lý của điều 4 trong hiến pháp Việt Nam, một qui định kỳ quái cho phép Đảng Cộng Sản Việt Nam là đảng duy nhất được nắm quyền mà thôi. Có nhiều trường hợp mà người dân đã viện dẫn một số đạo luật để chống lại các vụ tham nhũng, chèn ép v.v… Tuy nhiên chưa có một ai chính thức dùng luật để đòi hỏi nhà cầm quyền phải tuân thủ hiến pháp.

Bà Dân Biểu Parke đã có thắc mắc là Việt Nam đã có dụng ý gì khi bắt giam người viết Blog “Điếu Cày” với tội “trốn thuế”. Phái đoàn đã trình bày là bởi VN cần hội nhập vào trào lưu thế giới và không muốn thế giới lên án về các hành vi đàn áp đó, nên mới phải khoác cho Điếu Cày một tội danh mang tính hình sự. Phái đoàn cũng đã nhận định rằng những quan ngại của Việt Nam trước dư luận quốc tế là một điểm yếu mà người đấu tranh cần phải khai thác tối đa.

Ngoài ra còn có khá nhiều câu hỏi khác đã được phái đoàn trả lời sáng tỏ. Các thành viên của Tiểu Ban đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Để kết thúc buổi điều trần, bà Chủ Tịch Kerry Rea đã yêu cầu phái đoàn đại diện Việt Tân tiếp tục cung cấp thêm những dữ kiện cần thiết.

Gặp gỡ chính giới

Nhân chuyến điều trần trong Quốc Hội Úc, Ông Đỗ Hoàng Điềm cùng phái đoàn cũng đã đến thăm viếng các văn phòng của Dân Biểu Liên Bang Bernie Ripoll, một dân biểu quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại Brisbane; Thượng Nghị Sĩ Gary Humphies; và Dân Biểu Liên Bang Luke Simpkins. Trong dịp gặp gỡ này phái đoàn Việt Tân đã vận động sự hỗ trợ và lên tiếng đòi tự do cho các nhà đấu tranh đang bị giam giữ tại Việt Nam.

Tiếp kiến với Bộ Ngoại Giao Úc.

Sau đó vào lúc 4.30 chiều cùng ngày, phái đoàn cũng đã được tiếp kiến cùng Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Úc. Ông Đỗ Hoàng Điềm đã trình bày về tình hình biến chuyển tại Việt Nam và nhu cầu xây dựng nền tảng dân chủ để bảo đảm nhân quyền. Bộ Ngoại Giao xác nhận chính phủ Úc đã có nhiều nỗ lực để cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Họ đã có nhiều cơ hội đối thoại song phương về nhân quyền. Họ cũng đã đề cập đến một số trường hợp các nhà dân chủ bị giam cầm và đặc biệt là đã tiến hành nhiều chương trình huấn luyện để gia tăng sự hiểu biết về nhân quyền và các biện pháp để bảo vệ nó.

Chuyến công tác của phái đoàn Đảng Việt Tân được thành công tốt đẹp, có những bước tiến quan trọng trong việc vận động hậu thuẫn Chính Phủ Úc cho công cuộc đấu tranh chung.


Tokyo Được Gì Khi Tái Viện Trợ ODA Cho Hà Nội

20/03/2009

Ngô Văn

Chuyện Tokyo nối lại viện trợ ODA cho Hà Nội là điều người ta đã dự đoán. Vì vậy, không mấy ai ngạc nhiên khi nghe Ngoại trưởng Nhật, ông Hirofumi Nakasone, hôm 23 tháng 2 vừa qua công bố quyết định sẽ cấp lại viện trợ ODA có bồi hoàn cho Việt Nam. Nhưng, tại sao vừa mới ngưng, rồi chỉ hai tháng sau đã cấp lại, là điều làm người ta quan tâm, và muốn tìm hiểu xem Tokyo có ý định gì qua việc ngưng rồi tái viện trợ này.

Thật ra, không phải kể từ khi vụ PCI nổ ra thì Tokyo mới biết cán bộ, quan chức CSVN tham nhũng, hối lộ, rút ruột các dự án xây dựng từ tiền viện trợ ODA. Họ đã biết từ lâu, nhưng không muốn đưa ra ánh sáng; vì sợ dư luận, và nhất là sợ các đảng đối lập đặt vấn đề để công kích. Còn việc tiền viện trợ ODA có được sử dụng hiệu quả để cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam hay không, chẳng phải là mối quan tâm hàng đầu của Tokyo. Vì đây là tiền cho vay, trước sau gì người Việt Nam cũng phải nai lưng ra trả nợ, chứ không thể quỵt được. Nếu không muốn thuộc loại con nợ xấu.

Một viên chức cao cấp của cơ quan Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JICA), trực thuộc bộ Ngoại giao Nhật tiết lộ rằng, vụ PCI đã làm cho người đứng đầu cơ quan này, và một nhân sự đầu não của Ngân Hàng Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JBIC) ở Hà Nội bị kỷ luật, phải thay đổi chức vụ và nhiệm sở.

Nếu ngay từ đầu chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng đã đáp ứng yêu cầu của Công tố viện Tokyo, cho tiến hành điều tra những quan chức liên hệ đến vụ nhận tiền hối lộ của hãng PCI, thì tình hình sẽ khác. Nhưng ông Dũng đã không làm như vậy, mà còn cho rằng, không có bằng chứng xác đáng, và trách cứ Tokyo đã không tiến hành đúng theo thủ tục ngoại giao, khi yêu cầu Hà Nội hợp tác điều tra. Ông Dũng thừa biết thuộc hạ của ông tham nhũng hối lộ, cũng như Tokyo không làm sai nguyên tắc ngoại giao, nhưng vẫn tuyên bố mạnh miệng; khiến chính phủ Nhật vừa bị áp lực của Tổ chức Cạnh Tranh Lành Mạnh Thế Giới, vừa bị các đảng đối lập và người dân Nhật chỉ trích, nên không còn cách nào khác hơn là phải ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam. Như vậy mà Việt Nam vẫn đòi hỏi Nhật phải đón tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng theo nghi thức ngoại giao chính thức, khi ông ta sang Tokyo để cam kết một số điều kiện do Nhật đưa ra; hầu nhận lại được viện trợ. Nhiều chuyên gia Nhật về vấn đề Việt Nam nhận xét rằng, chắc chắn là ông Dũng biết là bộ Ngoại giao Nhật khó mà chấp nhận đòi hỏi đó, nhưng vẫn đưa ra, chỉ vì ông ta không muốn đến Tokyo để cam kết, hay nói đúng hơn là để xin lỗi.

Nhật biết rõ tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành thệ thống từ trung ương đến địa phương là điều Việt Nam không thể nào ngăn chận nổi. Nhưng, Nhật chỉ cần phiá Việt Nam chính thức cam kết đáp ứng một số đòi hỏi do Nhật đưa ra, là sẽ được tái cấp viện trợ. Đồng thời cũng cảnh cáo rằng, sẽ ngưng viện trợ bất cứ lúc nào, nếu Hà Nội vi phạm. Qua hướng giải quyết vừa kể, Tokyo vừa giải tỏa được phần nào sự bất mãn của người dân, và những chỉ trích từ các định chế quốc tế; vừa áp lực được Hà Nội cả về chính trị lẫn kinh tế, để bắt Hà Nội phải dành ưu tiên cho Nhật nhiều hợp đồng kinh tế lớn và dài hạn. Hà Nội càng vi phạm thì Tokyo càng có lý do để bắt chính quyền CSVN phải nhượng bộ, nếu không muốn bị ngưng viện trợ ODA.

Để nhận lại nguồn viện trợ ODA, Hà Nội đã cam kết với Tokyo một số điều kiện, trong đó có việc thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp Việt-Nhật, để soạn thảo các biện pháp phòng chống tham nhũng liên quan đến các dự án từ tiền viện trợ ODA của Nhật. Nếu phát hiện tiêu cực thì ủy ban này sẽ tiến hành điều tra ngay. Đến tháng 6 này, Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi một số luật lệ, để quy định rõ ràng việc xử lý thông tin liên quan đến nghi vấn tham nhũng trong các dự án ODA, và phải bảo đảm an toàn cho nhân chứng, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Đồng thời phải minh bạch thông tin về đấu thầu trong các dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ yen, từ tiền viện trợ ODA của Nhật…

Nếu nhờ vào những cam kết vừa nêu mà tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam bớt đi phần nào, thì cũng là điều đáng mừng cho Việt Nam. Nhưng, với lòng tham không đáy của cán bộ, quan chức đảng và nhà nước CSVN, cộng thêm ý đồ của Tokyo là muốn lợi dụng tệ nạn tham nhũng để dễ dàng bắt chẹt, hầu dành thêm quyền lợi kinh tế ở Việt Nam, thì viễn ảnh “đáng mừng” vừa kể rất mong manh. Và như thế đất nước Việt Nam sẽ ra sao? Chỉ có một điều chắc chắn là, không ai thương Việt Nam bằng người dân Việt Nam, và cũng chẳng ai thật tâm giải quyết các vấn nạn của Việt Nam thay cho người Việt Nam. Vì vậy, nếu dân ta không tự đứng lên giải quyết các vấn nạn của Việt Nam, mà tiên quyết là chấm dứt cái chế độ đã gây ra những vấn nạn đó, thì dân tộc ta sẽ phải nhận lãnh mọi hậu quả, ngay trong hiện tại, cũng như trong tương lai về sau.


Điều trần Nhân Quyền trước Quốc Hội Liên Bang Úc

19/03/2009

Vào ngày thứ Năm 19 tháng 3 năm 2009, một phái đoàn do ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân dẫn đầu đã đến Quốc Hội Liên Bang Úc để điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền thuộc Ủy Ban Phối Hợp Ngoại Giao, Quốc Phòng và Mậu Dịch của Quốc Hội Liên Bang Úc về vấn đề nhân quyền trong vùng Á Châu – Thái Bình Dương. Cuộc điều trần này được chia ra thành 3 phần với nhiều tổ chức được mời, trong đó có đảng Việt Tân.

Sau đây là bài phát biểu của ông Đỗ Hoàng Điềm trong buổi điều trần ngày 19 tháng 3 năm 2009.

Phái đoàn Việt Tân (trái sang phải): ông Trương Minh Đức, ông Đỗ Hoàng Điềm, ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong.

Phái đoàn Việt Tân (trái sang phải): ông Trương Minh Đức, ông Đỗ Hoàng Điềm, ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong.

****

Phát Biểu của ông Đỗ Hoàng Điềm
Chủ Tịch Đảng Việt Tân

Điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền
Ủy Ban Phối Hợp Ngoại Giao, Quốc Phòng và Ngoại Thương
Quốc Hội Liên Bang Úc

Điều trần về các Biện Pháp cho Nhân Quyền và vùng Á Châu – Thái Bình Dương

19 Tháng Ba 2009

***

Kính thưa Quý vị,

Cám ơn quý vị đã mời Đảng Việt Tân (Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng) hiện diện ngày hôm nay trong buổi điều trần các biện pháp cho nhân quyền và vùng Á Châu- Thái Bình Dương. Việt Tân là một đảng đấu tranh cho dân chủ đang hoạt động tại Việt Nam dù bị cấm đoán. Mục tiêu của chúng tôi là dựa vào sức mạnh của người dân Việt Nam để cải thiện tình trạng nhân quyền và thay đổi thể chế chính trị hiện tại một cách ôn hòa. Chúng tôi tin rằng một xã hội tự do không những là phương tiện tốt đẹp nhất để khai dụng tiềm lực to lớn của một quốc gia và dân tộc, mà còn là nền tảng cho các cơ chế nhân quyền. Hơn nữa, một Việt Nam dân chủ còn có thể là mấu chốt cho sự thịnh vượng và bền vững chung trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.

Tình trạng hiện nay ở Việt Nam

Việt Nam hiện đang bị cai trị bởi một chế độ đôc tài băng hoại với những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất thế giới. Việt Nam có dân số trẻ trung năng động mà đời sống và ước mơ đã bị kiềm chế bởi guồng máy công an và các “luật lệ” độc đoán được đặt ra nhằm bảo vệ đảng cộng sản trước những quan điểm và tổ chức đối lập.

Tôi xin đơn cử một số lãnh vực đáng quan tâm như sau:

1. Bắt bớ và giam giữ tùy tiện

Chính quyền đã xử dụng các sắc lệnh và điều khoản mơ hồ để tội phạm hóa những phát biểu chính trị và biến sự đối lập ôn hòa như các vi phạm an ninh quốc gia. Áp dụng những luật này một cách tùy tiện, chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt các vụ càn quét, mà tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Right Watch) đã liệt kê là tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Gần đây nhất, vào tháng Chín năm 2008, nhiều nhà hoạt động dân chủ (gồm ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Phạm Thanh Nghiên, quý ông Ngô Quỳnh, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Túc và Phạm Văn Trội) đã bị bắt vì đã phát tán các truyền đơn dân chủ và dán các khẩu hiệu phê bình chính quyền. Hiện họ vẫn còn đang bị giam giữ mà không có sự buộc tội chính thức nào. Trong trường hợp của chị Phạm Thanh Nghiên, mặc dầu đã bị giam giữ 6 tháng rồi, nhưng gia đình vẫn chưa được phép thăm nuôi. Có nguồn tin nói rằng sức khỏe của chị đang bị sa sút trong tù.

2. Tự do ngôn luận và phát biểu

Hiến pháp Việt Nam có bảo đảm quyền tự do ngôn luận và báo chí; tuy nhiên chính phủ tiếp tục đàn áp các ký giả có tinh thần độc lập và kiểm soát hệ thống internet. Nhà cầm quyền đặc biệt khủng bố những người lên tiếng cổ võ cho nền chính trị đa nguyên hoặc thắc mắc về các chính sách liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, như tham nhũng liên hệ đến các giới chức chính quyền hay tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Một thí dụ điển hình là vụ hai ký giả, Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải của các nhật báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, bị bắt vì đã vạch trần vụ tai tiếng tham nhũng nhiều triệu đô-la bao gồm việc biển thủ công quỹ, cờ bạc và mãi dâm ở bộ Giao Thông Vận Tải (PMU-18)1. Hai người này sau đó bị xét xử, kết tội và truy tố với tội ‘’lạm dụng các quyền tự do về dân chủ’’.

Tương tự, trong những tháng gần đây chính quyền đã chủ mưu một chiến dịch bịt miệng những nhà đấu tranh trên mạng. Một người viết blog nổi tiếng, Điếu Cày, đã bị bắt sau khi chỉ trích các chính sách của nhà nước Việt Nam trước hành động xâm lấn của Trung Quốc tại biên giới Hoa Việt. Ông bị kết án 30 tháng tù giam vì tội “trốn thuế” trong một phiên xử bị thế giới lên án. Gia đình của ông và nhiều người viết blog khác hiện cũng đang thường xuyên bị sách nhiễu và hăm dọa.

Chính quyền Việt Nam còn đi xa hơn nữa bằng cách ban hành một sắc lệnh mới vào tháng 12 năm 2008, cấm các nhà viết blog gởi lên mạng các bài mà có thể bị coi như “làm hại đến an ninh quốc gia”. Sắc lệnh mới này cũng đòi hỏi các dịch vụ cung cấp internet quốc tế phải báo cáo chi tiết cá nhân của người xử dụng dịch vụ đến chính quyền.

3. Tự do tôn giáo

Tất cả các tổ chức hay những hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đều phải đăng ký và phải được chính phủ thừa nhận. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vẫn còn bị nghiêm cấm và vị lãnh đạo cao nhất, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, đã bị quản thúc tại gia và sách nhiễu trong hơn 30 năm qua.

Giáo hội Công giáo vẫn bị khống chế ngặt nghèo. Mọi sự chỉ định hay bổ nhiệm các linh mục đều phải thông qua nhà nước. Vào tháng Chín năm 2008, nhiều buổi tập hợp cầu nguyện đông đảo của giáo dân đã được Đức Tổng Giám Mục địa phận Hà Nội và Giáo Xứ Thái Hà điều động, với con số đôi khi lên tới trên 15.000 người, để đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại tài sản của nhà thờ đã bị tịch thu. Tám giáo dân tham dự đã bị bắt và sau đó bị kết án.

Nhưng đáng quan tâm nhất là Hội Thánh Tin Lành Mennonite, phần lớn tín hữu là các sắc dân thiểu số cao nguyên, đã bị đàn áp khốc liệt. Một trong những vị lãnh đạo Hội thánh, Mục sư Nguyễn Hồng Quang đã thường xuyên bị bắt và bỏ tù vì hành đạo. Ông và các mục sư khác hiện vẫn đang bị công an theo dõi và sách nhiễu.

4. Quyền Công Nhân

Ở Việt Nam, công đoàn độc lập không được thừa nhận. Công nhân bị ngăn cấm thành lập hay tham gia công đoàn độc lập.

Chỉ có một nghiệp đoàn của nhà nước gọi là Tổng Công Đoàn Lao Động Việt Nam, nhận lệnh trực tiếp từ đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì sự mâu thuẫn này, quyền công nhân thường bị vi phạm và bỏ mặc. Trong những năm gần đây, các cuộc đình công lan rộng đã xảy ra khắp nước vì tình trạng làm việc cực khổ, lương thấp và bị bạc đãi. Hàng ngàn công nhân đã tham gia các cuộc đình công này và rất nhiều lãnh tụ đình công đã bị bắt và bỏ tù. Theo luật pháp Việt Nam, đình công không có phép của chính phủ bị coi là bất hợp pháp, vì vậy công nhân tham gia đình công có nguy cơ bị nhà nước bắt giam và giới chủ nhân sa thải. Tình trạng bất ổn lao động phản ảnh đời sống kinh tế khó khăn và bất mãn xã hội. Việc nhà nước kiểm soát công nhân chặt chẽ và ngăn cấm đình công đã vi phạm nghiêm trọng Quy Ước Lao Động Quốc Tế.

Một Số Đề Nghị

1. Đối Thoại về Nhân Quyền

Cuộc Đối Thoại về Nhân Quyền Úc-Việt có thể là một phương thức hữu hiệu để khuyến khích tự do chính trị nhiều hơn ở Việt Nam. Để gia tăng hiệu quả, chúng tôi đề nghị việc nhấn mạnh mục tiêu này qua các chương trình cụ thể. Các chương trình nên đặc biệt tập trung vào việc xây dựng quyền tự do truyền thông, xử dụng internet không bị kiểm soát, và quyền tự do hội họp. Bất cứ sự tài trợ nào cho các đề án này cần có tiêu chuẩn rõ ràng; mục đích và diễn tiến phải được chi tiết hóa và lưu trữ. Các kết quả cần phải được báo cáo lại cho Ủy Ban Phối Hợp và minh bạch hồ sơ cho quần chúng.

2. Sự hỗ trợ của Quốc Hội cho cuộc thay đổi dân chủ

Trong khi hình thành các cơ chế để ngăn ngừa và cải thiện các vi phạm nhân quyền là điều cần thiết, việc quảng bá dân chủ cũng quan trọng không kém trong việc giúp bảo đảm các cơ chế này trên đường dài. Hệ thống độc tài độc đảng là nền tảng nuôi dưỡng mầm mống vi phạm nhân quyền. Chúng tôi tin rằng giải pháp cho nhân quyền là một xã hội dân chủ và người dân được tự do chọn lựa chính trị và buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Quốc hội Úc có thể ủng hộ dân chúng Việt Nam và các quốc gia bị đàn áp khác bằng cách lên án những vi phạm nhân quyền, tiếp tay xây dựng một xã hội dân sự và hỗ trợ các tập hợp dân chủ, đồng thời tiếp tục áp lực chế độ đương quyền phải thay đổi.

3. Ủy Hội Nhân Quyền ASEAN

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ lời đề xướng của Nhóm Điều Nghiên Cơ Chế Nhân Quyền ASEAN để hình thành một ủy hội nhân quyền liên chánh phủ. Chúng tôi đề nghị rằng tất cả các quốc gia hội viên ASEAN đều đương nhiên là thanh viên của Ủy Hội này và vì vậy phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Ủy Hội sẽ có trách nhiệm giám sát để bảo đảm các khiếu nại được lắng nghe và các khuyến cáo được áp dụng. Chúng tôi cũng ủng hộ ý kiến rằng Ủy Hội Nhân Quyền ASEAN có thể thiết lập một Tòa Án, mà trong các trường hợp cần thiết có thể đưa ra một quyết định thống nhất buộc phải được thi hành. Mặc dầu Úc không phải là một hội viên của ASEAN nhưng với một quá trình hợp tác gần gũi và gắn bó trong khu vực này, chúng tôi tin rằng nước Úc có thể tham gia với ASEAN và Diễn Đàn Á Châu-Thái Bình Dương để tiến xa hơn nữa trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền tại khu vực này.

Phái đoàn Việt Tân với Thượng Nghị Sĩ Gary Humphries

Phái đoàn Việt Tân với Thượng Nghị Sĩ Gary Humphries

Phái đoàn Việt Tân với Dân Biểu Bernie Ripoll

Phái đoàn Việt Tân với Dân Biểu Bernie Ripoll

Phái đoàn Việt Tân với Dân Biểu Luke Simpkins

Phái đoàn Việt Tân với Dân Biểu Luke Simpkins