Không Để Cho Dự Án Tuyến Đường Sắt Cao Tốc Bắc-Nam Bị Rút Ruột

12/09/2009

BULLET TRAIN

Nếu dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam Việt Nam được tiến hành, thì đây là một dự án xây dựng hạ tầng cơ sở có số vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, nó lên đến 56 tỷ mỹ kim. Theo những thông tin có được thì Nhật Bản sẽ là quốc gia hợp tác xây tuyến đường sắt cao tốc này.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn APF (Asia Press Front) vào trung tuần tháng 8/2009, ông Nguyễn Hữu Bằng, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho biết, chính phủ (CS) Việt Nam vừa mới quyết định cho xây tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam dài 1560 cây số, theo kỹ thuật Shinkansen (Bullet train) của Nhật, để xe có thể chạy với vận tốc từ 300 đến 350 km/ giờ. Ông Bằng còn nói thêm rằng, hiện nay mọi việc đều tiến hành tốt đẹp; chỉ còn đợi Thủ tướng quyết định ngân sách là cho khởi công, để sẽ có thể khánh thành vào năm 2020. Ba đoạn đường đông khách nhất, đặc biệt là Huế-Đà Nẳng dài 90 Km, sẽ cho xây dựng trước. Nếu tuyến đường sắt cao tốc này được hoàn thành để đưa vào sử dụng, thì từ Hà Nội đi Sài Gòn chỉ mất khoảng 7 tiếng đồng hồ, thay vì gần ba ngày như hiện nay.

Vì Nhật là quốc gia sẽ hợp tác xây dựng, nên báo chí Nhật thỉnh thoảng đề cập đến vấn đề này. Tin của báo Nihon Keizai (Kinh tế Nhật Bản) cho biết là vào tháng 10 năm 2008, khi ông Nguyễn Tấn Dũng đến Tokyo tham dự cuộc hội thảo về Tương lai Á châu do chính báo này tổ chức, ông Dũng đã chính thức yêu cầu chính phủ Nhật hợp tác trong việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam Việt Nam. Thủ tướng Aso và công ty Thiết lộ Nhật đồng ý trên nguyên tắc, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì cụ thể, vì phía Việt Nam giải thích rất mù mờ về việc tìm kiếm nguồn vốn cho dự án.

Các chuyên gia ngành đường sắt Nhật ước tính tổng chi phí cho tuyến đường này ít nhất cũng phải tốn 56 tỷ mỹ kim. Để có nguồn vốn lớn này, ngoài việc phải dựa vào viện trợ ODA của Nhật, Việt Nam còn phải vay tiền của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB). Nhưng sự viện trợ và vay mượn này đều có giới hạn. Ngay cả những tính toán lạc quan nhất thì tổng số vốn vay mượn từ cả 3 nơi vừa kể cũng không thể nào đạt được con số 56 tỷ USD. Một dự án lớn cấp quốc gia thì không thể làm ăn theo kiểu có tiền đến đâu làm đến đó. Xây nửa chừng thiếu vốn thì cách giải quyết sẽ như thế nào? Chẳng lẽ bỏ ngang, bắt Nhật và các ngân hàng vào thế kẹt.

Do những ước tính chi phí cho dự án đường cao tốc này của phía Việt Nam rất mù mờ, nên chính phủ Nhật đề nghị triển hạn việc tiến hành dự án thêm một thời gian nữa. Việt Nam muốn khánh thành vào năm 2020, nhưng phía Nhật trả lời rằng, sớm nhất cũng phải từ năm 2036 trở đi. Mấy bản tin của Tổng cục đường sắt Việt Nam gần đây đã cho sửa con số 2020 thành 2036, nhưng Quyết định số 35/2009 QĐ-TTg do ông Nguyễn Tấn Dũng ký thì vẫn giữ nguyên.

Ngay sau khi ông Dũng ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 nêu trên, là cán bộ, quan chức CSVN đua nhau bay sang Nhật tìm đối tượng làm môi giới. Nhiều hãng của người Việt tại Nhật được họ mời dự tiệc hay đến thăm viếng, để yêu cầu đứng ra làm trung gian ăn huê hồng trong việc mua bán máy móc, dụng cụ kiến thiết, xe cộ, v.v… khi dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được tiến hành. Nhiều giới chức cao cấp sang nghiên cứu luật lệ, cách thức mở hãng. Ở mặt này thì ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ CSVN tại Tokyo có lợi thế hơn. Mấy tháng nay người ta thấy ông Bình tất bật đi khắp Tokyo, rồi xuống Osaka và bay ra tận Fuku Oka để tìm người làm môi giới cho dịch vụ này. Văn phòng Đại diện cho thủ đô Hà Nội tại Tokyo cũng ráo riết, tất bật không kém.

Trong dịp này, sau khi tiếp xúc với các cán bộ, quan chức cao cấp CSVN, một số chủ hãng người Việt tại Nhật đã tỏ ra rất búc xúc, vì chỉ thấy họ tính toán tìm cách vơ vét, đục khoét tài sản đất nước. Điều này chẳng có gì là lạ, vì hiện tượng bao nhiêu công trình xây cất, cầu đường tại Việt Nam bị các quan chức nhà nước rút ruột, ăn cắp vật liệu không thương tiếc, đã trở thành phổ biến; đến độ vừa khánh thành đã lún sụt, hư hỏng. Dự án càng lớn, số vốn càng nhiều thì con đường cho các quan chức ăn cắp, biển thủ, rút ruột công trình càng thênh thang rộng mở. Cho nên, dự án đường cao tốc Bắc-Nam, với số vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, hẳn nhiên là cơ hội “làm ăn” bằng vàng cho các quan chức nhà nước CSVN. Bởi vậy, dù vốn liếng của dự án vẫn còn mù mờ, nhưng họ đã bay sang tận Nhật để tính toán cho “sự nghiệp kiếm chác”. Từ căn bản này, khi khi dự án khởi công thì bộ máy đục khoét đã được bôi trơn để vận hành êm ả… Dù hơn một phần tư thế kỷ nữa con đùng cao tốc mới có thể khánh thành được, nhưng nhờ bộ máy đó mà một phần vốn của dự án sẽ rất sớm biến thành những căn nhà “xoàng xĩnh” như của bác Phiêu, hay những nhà thờ họ “giản dị” của bác Dũng.

Còn số vốn khổng lồ đầu tư cho dự án, và lãi mẹ đẻ lãi con của dự án đó, thì đã có các thế hệ Viêt Nam sau này trả. Các quan chức nhà nước không phải bận tâm đến!

Ngô Văn


Vừa hèn, vừa ác, vừa bất xứng

11/08/2009

20090811-Vua hen vua ac vua bat xung“Những gì Đảng và nhà nước không nói được thì các tổ chức phi chính phủ phải nói”. Đó là lời nhấn mạnh của ông Nguyễn Minh triết trong ngày đại hội Liên Hiệp các Hội Khoa Học và kỹ thuật Việt Nam, tổ chức ngày 9 tháng 4 năm 2009 tại Sài Gòn, bàn về những vấn đề liên quan đến đất nước.

Những vấn đề liên quan đến đất nước hiện nay là những vấn đề gì mà ông Triết phải nhấn mạnh rằng đảng và nhà nước của ông không nói được, đúng hơn là không dám nói? Phải chăng là việc Trung quốc xâm lấn chủ quyền trên biển Đông của Việt Nam?

Hành động bá quyền ngang ngược của Trung quốc trên biển đông đã làm cho các nước vùng Á châu như Nhật bản, Phi luật Tân, Nam Dương có những phản ứng; tuy mạnh yếu khác nhau nhưng ít nhiều cũng làm cho Trung quốc phải e dè. Chỉ riêng ông Triết và bộ chính trị của ông thì im thin thít, dù Trung quốc có những hành động trắng trợn và ngang ngược xâm lấn chủ quyền Việt Nam; xâm phạm đến tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam. Ngang nhiên bắt giữ ngư dân Việt Nam trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam và công khai gọi điện thoại thẳng đến nhà của nạn nhân đòi tiền chuộc mạng.

Trước những hành động bạo ngược này của Trung quốc, lẽ ra đảng và nhà nước của ông Triết phải triệu đại sứ Trung cộng tại Việt Nam đến để mà chính thức phản đối và nếu cần thì đưa vụ việc ra các diễn đàn quốc tế, như Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hoặc thưa ra trước Tòa án Biển tại Hamburg – Đức quốc. Nhưng đảng và nhà nước của ông Triết đã không dám làm điều đó, mà chỉ dám dùng cái loa rè Lê Dũng phát đi điệp khúc của ngày nào một cách lấy lệ mà âm thanh vừa chỉ đủ cho người dân tại Bà Đình nghe. Thậm chí còn kỵ húy nên chỉ dám dùng từ tàu lạ. Mà người dân ai cũng biết cái “lạ” đó là Tàu.

Nếu khiếp nhược trước người đồng chí anh em xỏ lá, bá quyền Trung cộng, mà không dám nói thì đã là một điều tệ hại. Nhưng còn tệ hơn nữa, Đảng và nhà nước của ông Triết lại nhắm mắt làm ngơ hoặc đôi khi tiếp tay để văn hóa tàu tràn ngập trên các hệ thống truyền thông hiện nay và buộc người dân luôn trọng thị kính cẩn thờ lạy 16 chữ vàng mà Bắc Kinh đã rao xướng.

Mới đây nữa, Tham tán Kinh tế – Thương mại của tòa Đại sứ Trung quốc tại Việt Nam là Hồ Tỏa Cẩm lên tiếng một cách trịch thượng, không dưới 3 lần đòi nhà nước CSVN phải “khuyến cáo, nhắc nhở, cảnh thị” báo VietNamNet, vì báo này đã dám cho đăng buổi thảo luận trực tuyến giữa ông Nguyễn Minh Phong, bà Phạm Chi Lan, Nhà báo Nguyễn Quang Thiều, ông Thân Đức Việt về đề tài “Giải pháp với hàng Trung Quốc chất lượng thấp”. Trước thái độ trịch thượng kể cả của tên tham tán Hồ Tỏa Cẩm, nhà nước của ông Triết chỉ biết cúi đầu hứa sẽ xem xét lại vấn đề và hứa sẽ thúc đẩy tốt quan hệ giửa 2 nước. Có phải để biến Việt Nam thành nơi cho Trung quốc bán hàng và khai thác tài nguyên hầu để phục vụ cho quyền lợi Trung quốc??

Ông Triết và đảng của ông tự nhận mình là lãnh đạo đất nước mà hèn không dám làm tròn trách nhiệm của một chánh quyền đại diện một quốc gia độc lập, không dám lên tiếng mạnh trước những hành động ngang ngược khinh thường mình của nước “lạ”. Cầm quyền bất xứng như vậy mà cứ nhất định ngồi đó để làm gì?

Có vẻ những gì liên quan đến việc “nước lạ” hà hiếp Việt Nam thì đảng và nhà nước của ông Triết không dám nói, mà chỉ dám “xúi” các tổ chức phi chính phủ nói. Nhưng thực tế hiện nay tại Việt Nam làm gì có tổ chức phi chính phủ đúng nghĩa! Mà chỉ có những người Việt Nam yêu nước từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, đã lên tiếng mà không cần đảng và nhà nước của ông Triết nhắc nhở, một khi có kẻ ngoại bang xâm lấn đến chủ quyền quốc gia, xâm phạm đến quyền lợi của dân tộc.

Điều mĩa mai và nghịch lý là tuy “xúi” dân nói những gì mà đảng của ông Triết không dám nói, nhưng một khi có tiếng nói nào “vượt quá” sự cho phép thì đảng tìm cách hãm lại. Như mới đây trong buổi tọa đàm về Biển Đông và Hải Đảo Việt Nam vào ngày 24 tháng 7 tại Sài Gòn, khi phần phát biểu của ông Nguyễn Quang Thắng bị cho là “vượt quá” thì người chủ tọa là linh mục Nguyễn Thái Hợp đã bị người “lạ” gọi ra vài lần, khi vào nét mặt rất căng thẳng và lo lắng. Linh mục Hợp phải chọn ví trí ngồi cạnh ông Thắng và nhắc nhở liên tục, khiến ông Thắng phải chấm dứt sớm bài tham luận còn dang dở.

Trong trường hợp không kìm hãm được tiếng nói “vượt qua” thì đảng trở nên hung ác và dở thói côn đồ, mà điển hình nạn nhân là các nhà dân chủ đã lên tiếng phản đối Trung quốc như các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Mạnh Sơn, nhà báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và cô Phạm Thanh Nghiên…

Đảng muốn người khác nói những điều tế nhị mà đảng không nói được, nhưng phải nằm trong sự kiểm soát của đảng hầu không làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao với “nước lạ” đàn anh mà lãnh đạo đảng đang cúc cung khấu tấu.

Trong sứ mạng cúc cung tận tụy với “nước lạ” đàn anh, mới đây đảng đã nâng cấp bằng cách cho phép sự hiện diện của “người lạ” trong một số những vụ thẩm tra các nhà dân chủ VN. Điển hình cục công an A37 đã mời hai chuyên gia „an ninh lạ“ sang để xử lý thông tin trong máy vi tính của cô Quỳnh Như (Blogger Mẹ Nấm), sau khi đã sách nhiễu điều tra cô về việc mặc chiếc áo thun màu xanh lá mạ ở giữa phía trước có dòng chữ “NO Bô-xít, Hoàng Sa Trường Sa là của VN” và sau lưng có dòng chữ “Người Việt Yêu Nước SOS, giữ mầu xanh và an ninh cho Việt Nam”.

Dã tâm của “nước lạ” được thể hiện qua việc lấn đất, lấn biển, lấn kinh tế, lấn văn hóa… Nay việc làm của cục công an A37 đối với Blogger Mẹ Nấm ở trên, cho thấy đảng của ông Triết sẵn sàng tạo điều kiện cho “nước lạ” bắt đầu lấn đến những lãnh vực khác.

Đảng của ông Triết tưởng rằng càng trù dập những tiếng nói chống đối “nước lạ” thì đàn anh sẽ hài lòng và ngưng lấn lướt. Nhưng với thái độ ươn hèn này của đảng và nhà nước của ông Triết thì “nước lạ” sẽ tiếp tục lấn tới ngày càng gia tăng cường độ.

Ông Dương Danh Hy, một cựu nhân viên ngoại giao CSVN về quan hệ Việt-Trung, khi được hỏi về vấn đề quan hệ giữa Việt Nam và Trung quốc trước đây, đã cho biết lãnh đạo Hà Nội ngày trước vì ngây ngô khờ khạo, không hiểu biết và quá tin tưởng vào Bắc Kinh nên đã có những điều hứa trong vấn đề biển Đông với Trung quốc.

Lãnh đạo CSVN ngày trước thì như thế. Còn 15 nhân sự lãnh đạo trong bộ chính trị CSVN hôm nay ra sao?

Vừa hèn trước “nước lạ”, vừa ác với đồng bào, vừa bất xứng với nhân dân.

Liệu nhân dân Việt Nam chịu đựng tập đoàn lãnh đạo “khôn nhà dại chợ” này đến bao giờ?

Nguyễn Thanh Văn


Tokyo Được Gì Khi Tái Viện Trợ ODA Cho Hà Nội

20/03/2009

Ngô Văn

Chuyện Tokyo nối lại viện trợ ODA cho Hà Nội là điều người ta đã dự đoán. Vì vậy, không mấy ai ngạc nhiên khi nghe Ngoại trưởng Nhật, ông Hirofumi Nakasone, hôm 23 tháng 2 vừa qua công bố quyết định sẽ cấp lại viện trợ ODA có bồi hoàn cho Việt Nam. Nhưng, tại sao vừa mới ngưng, rồi chỉ hai tháng sau đã cấp lại, là điều làm người ta quan tâm, và muốn tìm hiểu xem Tokyo có ý định gì qua việc ngưng rồi tái viện trợ này.

Thật ra, không phải kể từ khi vụ PCI nổ ra thì Tokyo mới biết cán bộ, quan chức CSVN tham nhũng, hối lộ, rút ruột các dự án xây dựng từ tiền viện trợ ODA. Họ đã biết từ lâu, nhưng không muốn đưa ra ánh sáng; vì sợ dư luận, và nhất là sợ các đảng đối lập đặt vấn đề để công kích. Còn việc tiền viện trợ ODA có được sử dụng hiệu quả để cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam hay không, chẳng phải là mối quan tâm hàng đầu của Tokyo. Vì đây là tiền cho vay, trước sau gì người Việt Nam cũng phải nai lưng ra trả nợ, chứ không thể quỵt được. Nếu không muốn thuộc loại con nợ xấu.

Một viên chức cao cấp của cơ quan Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JICA), trực thuộc bộ Ngoại giao Nhật tiết lộ rằng, vụ PCI đã làm cho người đứng đầu cơ quan này, và một nhân sự đầu não của Ngân Hàng Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JBIC) ở Hà Nội bị kỷ luật, phải thay đổi chức vụ và nhiệm sở.

Nếu ngay từ đầu chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng đã đáp ứng yêu cầu của Công tố viện Tokyo, cho tiến hành điều tra những quan chức liên hệ đến vụ nhận tiền hối lộ của hãng PCI, thì tình hình sẽ khác. Nhưng ông Dũng đã không làm như vậy, mà còn cho rằng, không có bằng chứng xác đáng, và trách cứ Tokyo đã không tiến hành đúng theo thủ tục ngoại giao, khi yêu cầu Hà Nội hợp tác điều tra. Ông Dũng thừa biết thuộc hạ của ông tham nhũng hối lộ, cũng như Tokyo không làm sai nguyên tắc ngoại giao, nhưng vẫn tuyên bố mạnh miệng; khiến chính phủ Nhật vừa bị áp lực của Tổ chức Cạnh Tranh Lành Mạnh Thế Giới, vừa bị các đảng đối lập và người dân Nhật chỉ trích, nên không còn cách nào khác hơn là phải ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam. Như vậy mà Việt Nam vẫn đòi hỏi Nhật phải đón tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng theo nghi thức ngoại giao chính thức, khi ông ta sang Tokyo để cam kết một số điều kiện do Nhật đưa ra; hầu nhận lại được viện trợ. Nhiều chuyên gia Nhật về vấn đề Việt Nam nhận xét rằng, chắc chắn là ông Dũng biết là bộ Ngoại giao Nhật khó mà chấp nhận đòi hỏi đó, nhưng vẫn đưa ra, chỉ vì ông ta không muốn đến Tokyo để cam kết, hay nói đúng hơn là để xin lỗi.

Nhật biết rõ tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành thệ thống từ trung ương đến địa phương là điều Việt Nam không thể nào ngăn chận nổi. Nhưng, Nhật chỉ cần phiá Việt Nam chính thức cam kết đáp ứng một số đòi hỏi do Nhật đưa ra, là sẽ được tái cấp viện trợ. Đồng thời cũng cảnh cáo rằng, sẽ ngưng viện trợ bất cứ lúc nào, nếu Hà Nội vi phạm. Qua hướng giải quyết vừa kể, Tokyo vừa giải tỏa được phần nào sự bất mãn của người dân, và những chỉ trích từ các định chế quốc tế; vừa áp lực được Hà Nội cả về chính trị lẫn kinh tế, để bắt Hà Nội phải dành ưu tiên cho Nhật nhiều hợp đồng kinh tế lớn và dài hạn. Hà Nội càng vi phạm thì Tokyo càng có lý do để bắt chính quyền CSVN phải nhượng bộ, nếu không muốn bị ngưng viện trợ ODA.

Để nhận lại nguồn viện trợ ODA, Hà Nội đã cam kết với Tokyo một số điều kiện, trong đó có việc thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp Việt-Nhật, để soạn thảo các biện pháp phòng chống tham nhũng liên quan đến các dự án từ tiền viện trợ ODA của Nhật. Nếu phát hiện tiêu cực thì ủy ban này sẽ tiến hành điều tra ngay. Đến tháng 6 này, Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi một số luật lệ, để quy định rõ ràng việc xử lý thông tin liên quan đến nghi vấn tham nhũng trong các dự án ODA, và phải bảo đảm an toàn cho nhân chứng, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Đồng thời phải minh bạch thông tin về đấu thầu trong các dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ yen, từ tiền viện trợ ODA của Nhật…

Nếu nhờ vào những cam kết vừa nêu mà tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam bớt đi phần nào, thì cũng là điều đáng mừng cho Việt Nam. Nhưng, với lòng tham không đáy của cán bộ, quan chức đảng và nhà nước CSVN, cộng thêm ý đồ của Tokyo là muốn lợi dụng tệ nạn tham nhũng để dễ dàng bắt chẹt, hầu dành thêm quyền lợi kinh tế ở Việt Nam, thì viễn ảnh “đáng mừng” vừa kể rất mong manh. Và như thế đất nước Việt Nam sẽ ra sao? Chỉ có một điều chắc chắn là, không ai thương Việt Nam bằng người dân Việt Nam, và cũng chẳng ai thật tâm giải quyết các vấn nạn của Việt Nam thay cho người Việt Nam. Vì vậy, nếu dân ta không tự đứng lên giải quyết các vấn nạn của Việt Nam, mà tiên quyết là chấm dứt cái chế độ đã gây ra những vấn nạn đó, thì dân tộc ta sẽ phải nhận lãnh mọi hậu quả, ngay trong hiện tại, cũng như trong tương lai về sau.


Tại Sao Nhật Bản Quyết Định Tái Viện Trợ ODA Cho Cộng Sản Việt Nam

06/03/2009

Trung Điền

blogoda

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Hirofumi Nakasone

Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Hirofumi Nakasone

Chiều ngày 23 tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Nakasone đã công bố quyết định là chính phủ Nhật sẽ cấp lại viện trợ ODA cho Cộng sản Việt Nam, sau khi cho biết là đã hoàn tất việc thành lập một Ủy ban phòng chống tham nhũng hỗn hợp của hai phía Nhật Bản và Cộng Sản Việt Nam, để ngăn ngừa những vụ tham nhũng xảy ra trong tương lai. Quyết định ngưng viện trợ ODA do đại sứ Nhật Bản thông báo trong Hội nghị các nhà tài trợ cho Cộng sản Việt Nam hồi đầu tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội nhằm áp lực chế độ phải giải quyết vụ tham nhũng PCI lên đến 2 triệu 500 ngàn Mỹ kim trong dự án xây dựng xa lộ Đông Tây tại Thành phố Sài Gòn do tiền viện trợ ODA của Nhật. Chỉ cách nhau 3 tháng, chính phủ Nhật đã có hai quyết định khá quan trọng ảnh hưởng lên mối quan hệ đối ngoại giữa Hà Nội và Tokyo. Nhiều người cho rằng, quyết định cấp lại viện trợ ODA của chính phủ Nhật Bản công bố vào cuối tháng 2 vừa qua mang nhiều tính chính trị hơn là đối ngoại vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất, Nhật Bản đã đạt được ba đòi hỏi mà phía Cộng sản Việt Nam phải đáp ứng: 1/ Bắt giữ Huỳnh Ngọc Sĩ, thủ phạm chính trong vụ tham nhũng PCI; 2/ Thành lập Ủy ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng Nhật -Việt để kiểm tra lại toàn bộ những dự án mà Nhật Bản đang viện trợ cho Cộng sản Việt Nam bây giờ và trong tương lai; 3/ Cải sửa về mặt luật pháp để quy định chặt chẽ việc xử lý những thông tin liên quan đến các nghi vấn tham nhũng mà hạn chót là cuối tháng 6 năm 2009.

Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giam ngày 12-2-2009

Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giam ngày 12-2-2009

Thứ hai, Nông Đức Mạnh phải đến Nhật để tạ lỗi với người dân Nhật về vụ tham nhũng PCI thay vì là Nguyễn Tấn Dũng trong vị trí Thủ tướng.

Thật ra, đây chỉ là hai lý do mang tính bề nổi nên người ta thấy là Cộng sản Việt Nam bị Tokyo xử ép trên mặt trận chính trị hầu làm hài lòng dư luận Nhật về những bê bối trong việc sử dụng tiền thuế của người dân qua chương trình viện trợ ODA. Những vụ tham nhũng tiền viện trợ ODA của Nhật không chỉ xảy ra lần đầu ở Việt Nam mà đã từng xảy ra ở Trung Quốc, Thái Lan, Nam Dương, Miến Điện và nhiều quốc gia Phi Châu trong nhiều thập niên vừa qua. Chính phủ Nhật Bản biết rất rõ một phần tiền viện trợ ODA có xác xuất chạy vào túi riêng cán bộ vì khó có thể ngăn chận 100%. Vấn đề là tại sao Nhật Bản đã phản ứng khá mạnh mẽ khi vụ tham nhũng PCI bùng nổ lớn từ đầu tháng 6 năm 2008 qua quyết định khởi tố của tòa án Tokyo đối với 4 cán bộ của công ty PCI?

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Việt Nam, ông Võ Hồng Phúc

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Việt Nam, ông Võ Hồng Phúc

Áp lực chính trị mà chính phủ Nhật đặt lên Cộng sản Việt Nam chỉ là diện; điểm cốt lõi mà Nhật tung biện pháp ngưng viện trợ ODA hơn 1 tỷ Mỹ Kim trong năm 2009 là để buộc Cộng sản Việt Nam phải dành ưu tiên cho Nhật một số hợp đồng kinh tế mang tính cách dài hạn. Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng kế hoạch đầu tư của Cộng sản Việt Nam đã đến Nhật hôm 20 tháng 2, với một bản cam kết là Hà Nội sẽ dành ưu tiên cho một số công ty lớn của Nhật Bản trực tiếp đầu tư nên Nhật mới rút lại lệnh ngưng viện trợ ODA hôm 23 tháng 2. Cho đến nay, người ta chưa biết rõ chi tiết về những cam kết của Hà Nội, nhưng dựa theo một số phân tích của giới đầu tư tại Tokyo thì ba lãnh vực sau đây mà Cộng sản Việt Nam sẽ xúc tiến việc giải tư và ưu tiên cho công ty Nhật nhảy vào là: Viễn Thông, Điện Lực và Dầu Khí.

Ba lãnh vực Viễn Thông, Điện Lực và Dầu Khí hiện nay nằm trong tay của Bộ Công nghiệp. Đây là những ngành mũi nhọn trong chiến lược công nghiệp hóa của Cộng sản Việt Nam đưa ra cách nay 10 năm. Đây cũng là những lãnh vực mà cả Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn Cộng sản Việt Nam mở rộng để có sự hợp tác đầu tư của những công ty Hoa Kỳ và Trung Quốc. Riêng Hoa Kỳ thì theo sự thỏa thuận ký trong bản thương ước Việt Mỹ vào cuối năm 2000, Cộng sản Việt Nam phải cho Công ty Hoa Kỳ được đầu tư vào những lãnh vực Viễn Thông, Internet vào thời điểm năm 2010. Rõ ràng là Nhật Bản có cuộc chạy đua với Trung Quốc và Hoa Kỳ trong nỗ lực dành một số ưu tiên kinh tế tại Việt Nam.

Qua bản cam kết kinh tế mà Võ Hồng Phúc cầm sang Nhật Bản để đánh đổi lại việc Tokyo tái cấp viện trợ ODA cho thấy Cộng sản Việt Nam là một tập đoàn sẵn sàng chuyển nhượng mọi ưu tiên của quốc gia cho ngoại bang để đổi lấy những món lợi nhỏ trước mặt nhằm duy trì quyền lực độc tôn. Từ nhượng đất, nhượng biển cho Trung Quốc để được bảo hộ sau khi khối Cộng sản Liên Xô tan rã, sang việc nhượng một số quyền lợi kinh tế của quốc gia cho Nhật để đổi lấy những khoản viện trợ ODA, càng biểu hiện tính chất tay sai và luôn luôn dựa vào những thế lực quan thầy của Cộng sản Việt Nam. Những diễn biến chính trị này càng giúp cho người Việt Nam luôn luôn ý thức rằng một quốc gia bị thống trị bởi một tập đoàn bất tài và tham quyền cố vị, chỉ dẫn dân tộc và đất nước vào con đường lệ thuộc ngoại bang mà thôi. Những vấn nạn của đất nước hiện nay, bao gồm cả việc bị đe dọa mất chủ quyền đất nước và xâm lược tài nguyên do tinh thần lệ thuộc Trung Quốc và Nhật Bản của lãnh đạo Hà Nội – cho ta thấy rằng Việt Nam phải sớm có một chính quyền dân chủ thật sự thì mới cứu vãn những nguy cơ trước mặt.

Trung Điền


Vụ Xử Huỳnh Ngọc Sỹ: Đầu Voi Đuôi Chuột!

18/02/2009

Trần Hùng

dvdc

Một tuần lễ sau khi Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt tạm giam, dư luận vẫn còn bàn tán xôn sao về sự việc này. Tính ra thì hơn nửa năm sau khi toà án Tokyo chính thức truy tố 4 nhân viên của công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International PCI) về tội “hối lộ cán bộ Cộng sản Việt Nam để được trúng thầu”, và nêu đích danh tên người cán bộ đã nhận số tiền hối lộ lên đến 2,6 triệu đô la là Huỳnh Ngọc Sỹ, mãi đến tuần qua, ông Sỹ mới chính thực bị tống giam. Sau gần 8 tháng trời ngoan cố bao che cho hành động tham ô của ông Sỹ, CSVN sau cùng đã phải chịu khuất phục dưới áp lực của dư luận quốc tế, đặc biệt, lập trường cương quyết của chính phủ Nhật Bản, để đưa con dê ra tế thần. Tuy nhiên, cũng chính qua những thủ đoạn mờ ám của nhà nước trong việc này mà người ta lại càng thấy rõ hơn, đó là chế độ này hoàn toàn không có chủ đích diệt trừ tham nhũng như họ luôn hứa hẹn với người dân.

Hơn nửa năm trời vừa qua, trong khi chính phủ Nhật tiến hành việc xét xử những viên chức Nhật phạm luật, và kêu gọi CSVN hãy xét xử cán bộ của mình, thì người ta chỉ thấy từ phiá Hà Nội những thái độ khó hiểu. Đầu tháng 6-2008, khi toà án Tokyo thành lập Uỷ Ban đặc biệt điều tra vụ hối lộ này, đồng thời gửi CSVN “giấy đề nghị hợp tác điều tra”, nêu đích danh người nhận tiền hối lộ là Huỳnh Ngọc Sỹ thì Hà Nội làm ngơ, không phúc đáp. Đầu tháng 8, khi toà án Tokyo ký trát tống giam 4 nghi can, và báo chí Nhật rần rộ loan tin này, thì thứ trưởng Ngoại Giao CSVN Hồ Xuân Sơn tìm cách bưng bít qua đề nghị “các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước không nên đưa tin.” Ngày 25-8, khi chính phủ Nhật chính thức truy tố 4 viên chức PCI và đến tháng 9-2008, đề nghị thành lập uỷ ban hỗn hợp chống tham nhũng, thì Hà Nội vẫn lì lợm tuyên bố “không có hành vi tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã đưa.”

Huỳnh Ngọc Sỹ bị điệu ra khỏi nhà, ngày 11.02.2009

Huỳnh Ngọc Sỹ bị điệu ra khỏi nhà, ngày 11.02.2009

Cho đến ngày 12-11, trong phiên xử đầu tiên tại toà án Tokyo, khi 4 nghi can đều thú nhận về các tội danh bị cáo buộc thì ngày hôm sau, Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn “sẽ cho điều tra”, nhưng chỉ hứa để lừa gạt dư luận, vì biện pháp đưa ra chỉ là “tạm đình chỉ công tác”. Tương tự như vậy, ngày 21-11, Nguyễn Minh Triết hứa với thủ tướng Nhật là “sẽ xử lý nghiêm khắc vụ PCI”, nhưng rồi vẫn tảng lờ, Huỳnh Ngọc Sỹ vẫn không bị truy tố.

Trước thái độ ngoan cố của CSVN, đầu tháng 12, Nhật tuyên bố ngưng viện trợ ODA, đóng băng ngân khoản 700 triệu đô la đã cấp cho năm 2008. Đây là lần đầu tiên Nhật phải áp dụng biện pháp cứng rắn như vậy. Choáng váng trước liều thuốc đắng “made in Japan”, ngày 9-12, bộ Công an thông báo “đã khởi tố vụ án nhận hối lộ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ”, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết nào, và Huỳnh Ngọc Sỹ vẫn còn tại ngoại. Có lẽ liều thuốc chưa đủ đắng đối với con bệnh lì lợm. Trong 2 tháng tiếp theo, tình trạng bùng nhùng vẫn tiếp tục kéo dài. Một mặt Hà Nội cố trấn an dư luận bằng những lời tuyên bố sai sự thật như “Nhật Bản sắp nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam”, mặt khác họ vận động hậu trường để Nhật Bản thay đổi thái độ. Tuy nhiên, chính phủ Nhật vẫn cương quyết duy trì lập trường cứng rắn của mình. Ngày 29-1, toà án Tokyo kết án các can phạm từ 20 tháng đến 2 năm tù giam. Sau cùng, ngày 11-2, Huỳnh Ngọc Sỹ mới bị bắt tạm giam cùng với viên cựu phụ tá Lê Quả.

Tuy nhiên, chính ngay khi mà người ta tưởng là CSVN đã phải nhượng bộ trước áp lực của quốc tế để xét xử nghiêm chỉnh vụ tham nhũng này, thì một lần nữa Hà Nội lại cho thấy họ vẫn ngoan cố tái diễn trò lừa bịp. Vụ PCI đang có chiều hướng con voi trở thành con chuột nhắt.

Lê Thanh Hải: mắc míu về quyền lợi và tình cảm với Sỹ!

Lê Thanh Hải: mắc míu về quyền lợi và tình cảm với Sỹ!

Thực chất của vụ này là tham nhũng, hối lộ. Các viên chức PCI phải “lót tay” cho cán bộ CSVN 10% trị giá của hợp đồng để được trúng thầu, tổng cộng lên đến 2,6 triệu đô la. Khi nghe tin Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giữ vào ngày 11-2 vừa qua, nhiều người tưởng rằng ông Sỹ sẽ bị truy tố về tội tham nhũng. Nhưng người ta đã lầm, vì CSVN lại lừa bịp như đã từng bịp rất nhiều lần trong quá khứ. Họ đã chọn thời điểm hoàng thái tử Nhật đang viếng thăm Việt Nam để bắt giữ Huỳnh Ngọc Sỹ. Họ đã cho biết trước về việc bắt giữ để cả một lực lượng phóng viên đông đảo đến săn tin trước căn nhà 4 tầng của ông Sỹ ở Sài Gòn. Họ đã để báo chí nhà nước mặc tình đăng tải những tấm hình chụp ông Sỹ bị điệu ra khỏi nhà…. Tất cả những thủ thuật đó nhằm tạo ấn tượng rằng luật pháp nghiêm minh đang được thực thi, nhưng thực chất đó chỉ là một màn ảo thuật rẻ tiền. Bản cáo trạng lẽ ra phải là “tham nhũng, hối lộ”, mà chiếu theo bộ luật hình sự của CSVN thì hình phạt có thể lên đến tử hình, nay đã bị chuyển thành ’lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ với mức án tối đa là từ 10 đến 15 năm tù giam. Từ tội trạng tham nhũng tiền viện trợ ngoại quốc lên đến gần 3 triệu đô la, có liên quan đến nhiều nhân vật thượng tầng của chế độ, trở thành thâm lạm tiền cho thuê nhà công, tổng cộng khoảng 80.000 đô la, chia chác với một số cán bộ tép riu, trong khoảnh khắc con voi đã biến thành con chuột!.

Rõ ràng CSVN đang muốn ém nhẹm vụ này, như đã nhiều lần trong quá khứ.

Tổng giám đốc Trần Mai Hạnh (vụ Năm Cam): án 9 năm, thọ án 1/4!

Tổng giám đốc Trần Mai Hạnh (vụ Năm Cam): án 9 năm, thọ án 1/4!

Trong một chế độ độc tài, việc duy trì quyền lực được phân bố theo bè cánh, đặt trên căn bản quyền lợi. Bộ chính trị đảng cộng sản gồm 15 uỷ viên dành toàn quyền chia chác bổng lộc, bao gồm tài nguyên của đất nước, tiền viện trợ ngoại quốc và mọi chức tước trong guồng máy nhà nước. Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống này. Ông ta không thể nuốt trọn số tiền gần 3 triệu đô la, mà phải chia chác với những nhân sự khác. Những người đó là ai?. Trong thời gian ăn hối lộ của PCI, Huỳnh Ngọc Sỹ nằm dưới quyền của Nguyễn Minh Triết là bí thư thành uỷ và Lê Thanh Hải là chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn. Bây giờ Triết lên làm chủ tịch nước, và Hải lên chức bí thư thành uỷ. Cả 2 đều là uỷ viên bộ chính trị. Hải còn là sui gia với Sỹ. Với những mắc míu về quyền lợi và tình cảm như vậy, và nhất là nhu cầu bao che cho nhau để cùng tồn tại, sẽ không bao giờ có việc chế độ này xét xử nghiêm minh những vụ tham nhũng.

Thứ trưởng Mai Văn Dâu (vụ bán quota): án 14 năm, thọ phạt 5 năm!

Thứ trưởng Mai Văn Dâu (vụ bán quota): án 14 năm, thọ phạt 5 năm!

Chính hệ thống quyền lực độc quyền đã đẻ ra tham nhũng, nên nó không làm sao có thể diệt trừ tham nhũng, vì làm như thế tức là tự huỷ diệt mình. Tất cả những vụ tham nhũng gộc từ trước tới nay đều như vậy. Những thành phần liên can như thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Mai Văn Dâu, bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc Trần Mai Hạnh, thứ trưởng công an Bùi Quốc Huy, viện phó Phạm Sĩ Chiến… đều được bao che tận tình, tạo thời gian cho họ thủ tiêu dấu vết và tẩu tán tài sản, cho đến lúc không thể ém nhẹm nổi thì mới bị mang ra xét xử sơ sài, ở tù tượng trưng một thời gian ngắn rồi được trả tự do, sống cuộc đời xa hoa với số tiền chiếm được. Tất cả đều chung một kịch bản, và Huỳnh Ngọc Sỹ lần này cũng không khác.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (vụ PMU 18): bị tạm giam rồi được tha bổng!

Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (vụ PMU 18): bị tạm giam rồi được tha bổng!

Tham nhũng phát xuất từ lòng tham của con người, và nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Nhưng chỉ trong một thể chế dân chủ, với quyền lực được minh định rõ ràng, với nền tư pháp độc lập và công minh, và với nền tự do báo chí được tôn trọng, người ta mới có thể phát giác mầm mống tham nhũng kịp thời để ngăn chặn hữu hiệu. Còn trong một chế độ độc tài, cho dù có uỷ ban bài trừ tham nhũng hay muôn ngàn sắc lệnh, nghị quyết… tất cả chỉ là để dàn cảnh. Vì thế, việc diệt trừ tham nhũng phải nhắm tới mục tiêu tối hậu là chấm dứt độc tài, tức là dẹp sạch môi trường giúp cho tham nhũng có cơ hội sinh sôi nẩy nở. Đồng thời trước mắt gia tăng áp lực lên dư luận trong, ngoài nước cũng như quốc tế để lôi ra ánh sáng toàn bộ những ô dù che chở cho Huỳnh Ngọc Sỹ. Chúng ta cương quyết không để cho con voi biến thành con chuột!


Cơ May Cất Cánh Của Dân Tộc Việt Nam

11/02/2009

Trần Hùng

lg-catcanh

Những người quan tâm theo dõi tình hình Việt Nam hiện nay nếu được hỏi vấn nạn nào làm cho họ quan ngại hơn hết, chắc sẽ khó có ngay một câu trả lời chính xác. Đó cũng là điều dễ hiểu, bởi vì nếu điểm qua tin tức Việt Nam, từ chuyện nhỏ về đời sống thường nhật của người dân lao động với cơm áo gạo thịt, cho đến chuyện lớn về quyền lợi trọng đại của quốc gia với đất, biển, tài nguyên… người ta không khỏi không bàng hoàng trước thực trạng vô cùng đen tối hiện nay và viễn ảnh tương lai cũng chẳng sáng sủa gì. Tất cả những vấn đề này đều có liên hệ khắng khít với nhau, và đều tác động mạnh mẽ vào đời sống của người dân cũng như vận mệnh của đất nước. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2009, lại có thêm biết bao nhiêu chuyện khiến mọi người phải âu lo hoặc lắc đầu chán nản.

Đứng hàng đầu là chuyện trộm cắp. Cuối năm 2008 cảnh sát Nhật Bản bắt giữ phi công Đặng Xuân Hợp của Vietnam Airlines vì vận chuyển hàng hoá đánh cắp. Cuộc điều tra sơ khởi đã khui ra cả một đường giây liên quan đến những giới chức cao cấp của hãng hàng không quốc doanh này. Người ta ngán ngẩm không phải vì một cá nhân đi ăn cắp, mà đây là công ty quốc doanh do nhà nước quản trị, với con ông cháu cha nắm hết mọi chức vụ cao cấp trong công ty. Thành phần ăn trên ngồi chốc của xã hội mà còn đi ăn cắp, điều đó làm cho người Việt đau lòng.

Không phải chỉ đau lòng mà còn nhục nhã, bởi vì đây chỉ là một vụ ăn cắp “vặt”, nếu so với những vụ khác, to lớn hơn về cả tầm vóc lẫn mức độ. Nhiều người Nhật bây giờ đều biết đến tên Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải, kiêm giám đốc dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Sài Gòn, được nổi tiếng do thành tích ăn cắp tiền viện trợ ODA của Nhật Bản lên đến hơn 2 triệu đôla. Toà án Tokyo đã xét xử các viên chức người Nhật và yêu cầu CSVN điều tra nội vụ liên quan đến Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng Việt cộng vẫn giả ngơ giả điếc khiến Nhật Bản phải đình chỉ viện trợ cho Việt Nam. Qua sự việc này người ta thấy rõ ràng có sự thông đồng và bao che lẫn nhau, dính líu đến cả chủ tịch nước và các uỷ viên bộ chính trị.

Đã có bao nhiêu vụ tham nhũng gộc như vậy? Không ai có thể trả lời được bởi vì nó xẩy ra triền miên từ năm này qua năm khác. Chỉ mấy năm nay mà đã có 5, 7 vụ tham nhũng, lừa đảo lớn, liên quan đến những nhân vật chóp bu của chế độ: Thuỷ cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, Mai Văn Dâu, Năm Cam, rồi PMU18, rồi PCI… Ngay dịp Tết vừa rồi, lại nổ thêm vụ mới, liên quan đến cấp phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bị truy tố về tội “tham ô tài sản” khi thực hiện kế hoạch “điện toán hoá” cho các cơ quan chính phủ trên khắp nước. Những vụ khác, ở tầm mức thấp hơn thì hằng hà sa số. Theo báo nhà nước, trong năm 2008 có khoảng 300 vụ án liên quan đến tham nhũng đã bị khởi tố. Đây chỉ là những vụ nhỏ, liên quan đến cấp thấp, không thể ém nhẹm được, hoặc do các phe phái tố cáo lẫn nhau. Phần lớn của tảng băng vẫn còn trong bóng tối. Việc quan chức cộng sản tham nhũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện!”.

Quan chức tham nhũng, ăn cắp, rút ruột ngân sách nên người dân mãi sống trong cảnh nghèo khó. Tình hình Tết Kỷ Sửu năm nay thật tiêu điều. Nhà máy đóng cửa, đẩy hàng chục ngàn công nhân ra hè phố, không lương, không trợ cấp… Ngày giáp Tết, riêng tại Sài Gòn có 35.000 công nhân mất việc. Mỗi năm thành phố này có thêm 200.000 người gia nhập vào đội quân lao động. Như thế, sau Tết, tại Sài Gòn có gần 1/4 triệu người thất nghiệp. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở trong nước, một số công ty khác có thể sẽ tiếp tục đóng cửa, và số công nhân mất việc vì thế sẽ còn tăng lên. Những người may mắn còn việc làm thì thu nhập bị giảm bớt, công nhân ngành may bị giảm lương 30 đến 40%, trong khi lạm phát đẩy giá cả leo thang hơn 28%. Đó là những vấn nạn trầm trọng của xã hội.

Tại nông thôn, dịp Tết năm nay đã nổ bùng nhiều điểm nóng. Miền Nam có Kiên Lương, Tiền Giang, công trường Cờ Đỏ… Miền Bắc có Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tây… Tất cả bắt nguồn từ một nguyên nhân chung: nông dân bị cướp đoạt đến thước đất cuối cùng, vì thế họ phải liều chết để bảo vệ nguồn mưu sinh của mình. Ở nhiều nơi đã xẩy ra đàn áp đổ máu. Người nông dân sống nhờ cây lúa trên đồng và con cá dưới sông. Nay lúa không còn vì mất đất, cá cũng hiếm vì bị đánh bắt cạn kiệt. Công nhân và nông dân trở thành thành phần quần chúng mạt hạng, sống trong những túp lều tồi tàn, trái ngược hẳn với những toà lâu đài to lớn của quan chức cộng sản.

Biệt thự của Nguyễn Thị Bình tại Đà Nẵng - Nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng tại Rạch Giá

Biệt thự của Nguyễn Thị Bình tại Đà Nẵng - Nhà thờ họ của Nguyễn Tấn Dũng tại Rạch Giá

Nhà của một nông dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh hay một ngôi nhà điển hình ở miền quê!

Nhà của một nông dân ở Hương Khê, Hà Tĩnh hay một ngôi nhà điển hình ở miền quê!

Hai chữ “bình đẳng” mà cộng sản vẫn thường tuyên truyền để lôi kéo người dân thì nay lại là điều phi lý nhất của chế độ. Những hình ảnh thực tế ngoài xã hội cho thấy tình trạng bất bình đẳng cao độ giữa lớp cán bộ chóp bu và quần chúng nhân dân. Lãnh đạo cộng sản trở thành một lớp quan lại sống vô trách nhiệm trên nỗi cơ cực của người dân.

Vườn rau sạch để dùng riêng cho gia đình

Vườn rau sạch để dùng riêng cho gia đình

Thái độ vô trách nhiệm này lại vừa được thể hiện qua sự kiện mới nhất về chùm ảnh tư dinh của nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu, có cả vườn trồng rau sạnh để dùng riêng cho gia đình, thay vì lẽ ra họ phải lo làm sao có rau sạch cho toàn thể nhân dân…

Nguyễn Đình Tân trưởng xóm 1 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: "Cả xóm có 12 hộ nghèo, số tiền xã phát cho dân là 10.400.000 đồng, tôi đã phát mỗi khẩu 50.000. Số còn lại tôi đang giữ để phát dần bởi tôi sợ người nghèo lần đầu tiên có được số tiền này sẽ ăn tiêu hoang phí". (Nguồn hình: Vnexpress.net)

Nguyễn Đình Tân trưởng xóm 1 xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An: "Cả xóm có 12 hộ nghèo, số tiền xã phát cho dân là 10.400.000 đồng, tôi đã phát mỗi khẩu 50.000. Số còn lại tôi đang giữ để phát dần bởi tôi sợ người nghèo lần đầu tiên có được số tiền này sẽ ăn tiêu hoang phí". (Nguồn hình: Vnexpress.net)

Quan chức cộng sản không phải chỉ ăn cắp công qũy và tiền viện trợ của ngoại quốc, mà còn ăn chặn cả tiền của dân nghèo. Vụ tai tiếng này đang làm dư luận cả nước bất bình. Số tiền 3.800 tỷ đồng mà nhà nước dự trù trợ cấp cho hơn 10 triệu người nghèo trong dịp Tết, đã rơi vào túi của quan tham khắp nơi qua những thủ đoạn bất nhân như lập danh sách ma để phát tiền cho cá nhân và thân nhân cán bộ, bắt dân nộp lại tiền gọi là để “làm công ích”, hoặc thậm chí giữ tiền không phát vì sợ dân “tiêu hoang phí”… Không nơi nào không xẩy ra những trường hợp ăn cướp trắng trợn như vậy. Trước dư luận sôi sục, nhà nước tuyên bố sẽ điều tra sự việc, nhưng số tiền thuế của dân mấy nghìn tỷ đồng đã chui vào túi quan tham làm sao moi ra được!

Chuyện dân như vậy, chuyện nước thì sao? Hoàng Sa Trường Sa vẫn mãi mãi nằm trong tiềm thức của người dân, và trở thành biểu tượng của tinh thần chống ngoại xâm trong thiên niên kỷ mới. Càng ngày người ta càng thấy rõ dã tâm của Trung cộng. Bản Giốc, Nam Quan chưa phải là địa danh sau cùng, và những túi dầu biển đông không thể thoả mãn tham vọng của Bắc Kinh. Dư luận nay đang hướng về vùng tây nguyên để theo dõi bước chân của công nhân Trung cộng tiến vào khai thác bauxite. Đây là chính sách sai lầm cả về quân sự cũng như xã hội, kinh tế mà những công thần của chế độ như đại tướng Võ Nguyên Giáp hay ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn của cố thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt và nhiều chuyên gia khác đều đã lên tiếng cảnh báo. Việc cố tình thực hiện chính sách này qua lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo ngày 4-2-2009 tại Hà Nội: “việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, chỉ cho thấy rõ thêm thái độ thần phục phương Bắc của CSVN.

Và xót xa nhất là món quà đầu năm dương lịch mà Ngân Hàng Thế Giới gửi tặng: bản báo cáo mới nhất cho biết Việt Nam phải mất 158 năm nữa mới đuổi kịp Singapore, 95 năm nữa mới theo kịp Thái Lan và 51 năm nữa mới bắt kịp Indonesia.

Như vậy số phận của dân tộc chúng ta mãi mãi là đói nghèo và lạc hậu hay sao?

Đúng như vậy, nếu chế độ này còn tiếp tục hiện diện. Mục tiêu của nó là chỉ nuôi dưỡng một thiểu số đặc quyền trên thân phận của hơn 80 triệu dân. Và một chế độ độc tài hoàn toàn không có khả năng cải thiện hoặc sửa đổi.

Vì thế, nếu muốn thay đổi số phận của dân tộc Việt Nam, điều căn bản là phải thay đổi thể chế hiện nay. Chỉ có một chính quyền dân chủ mới có khả năng giải quyết những bài toán dân sinh và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đây là sự chọn lựa của nhân dân Việt Nam. Và chỉ với sự lựa chọn sáng suốt này, dân tộc Việt Nam mới có cơ may cất cánh để theo kịp những quốc gia tiến bộ trên thế giới. Hãy lựa chọn và quyết tâm phá bỏ chế độ độc tài, như người dân những nước Đông Âu và Á châu khác đã từng thực hiện. Tương lai cất cánh của Việt Nam sẽ khởi đi từ bệ phóng dân chủ đó và chỉ từ đó mà thôi.


Chống Độc Tài Là Yêu Nước!

28/01/2009

Trần Hùng

lg-chongdoctai

Những ngày đầu năm là dịp để mọi người cùng hướng đến tương lai, vẽ ra những đường hướng mới để cho cuộc sống của mình được thăng tiến, tốt đẹp hơn thời gian đã qua. Cả một dân tộc đều mong mỏi một vận hội mới, lịch sử chuyển mình để quét tan đi những xấu xa, lừa bịp, bóc lột, áp bức, độc tài… đang đè nặng lên người dân từ bao nhiên năm nay. Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều có chung một tâm trạng như vậy. Điều này thể hiện qua những lời phát biểu, qua những câu trả lời phỏng vấn được loan tải trên các cơ quan truyền thông ở ngoài nước. Một độc giả phát biểu: “năm nay cầu mong Việt Nam đổi mới về cả chính trị và kinh tế để dân Việt Nam bớt nghèo khổ”. Một độc giả khác mong mỏi: “vận mệnh mong manh trong thời đại suy thái kinh tế thế giới này không bị chấn bởi lũ quan tham trong đảng cộng sản nước nhà, lũ tư bản đỏ thối nát để dân đen còn mở mặt với thế giới”. Nói chung ai cũng mơ ước một sự chuyển mình trong năm mới.

Trong khi đó, lãnh đạo CSVN vẫn tiếp tục tự giam hãm mình trong gọng kìm của quá khứ. Chủ tịch CSVN Nguyễn Minh Triết trong bài diễn văn đầu năm Kỷ Sửu vẫn chỉ nhai đi nhai lại những luận điệu vô nghĩa qua kịch bản 3 màn. Màn 1: “Do những khó khăn khách quan từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước nên có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”. Màn 2: “Tuy nhiên nhờ sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào và chiến sỹ cả nước, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao”. Và sau cùng màn 3: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hãy đoàn kết một lòng, vững tin ở tương lai, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đối phó hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, bảo đảm duy trì tăng trưởng hợp lý, giữ vững ổn định chính trị, phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống nhân dân, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 mà Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra”.

Cũng như vậy, tổng bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh nhân dịp mừng Xuân đã tổng kết như sau: “Công tác xây dựng Ðảng đạt kết quả tích cực; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh; chính trị – xã hội ổn định; cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, an sinh xã hội được chú ý chăm lo. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững”.

Đọc những lời lẽ nói trên, người ta e tư duy của lãnh đạo CSVN đã bị sơ cứng và có vấn đề. Một mặt, việc khoa trương những thành tích giả dối như trên giống như hành động của một người bị nội thương trầm trọng nhưng gặp bất cứ ai, dù không được hỏi thăm, cũng tự vỗ ngực khoe là mình rất khoẻ mạnh. Mặt khác, họ đã tự bịt mắt, che tai trước những gì đang xẩy ra chung quanh. Lương tri của họ đã bị tê liệt bởi những thủ đoạn lừa bịp, giả dối, bất lương mà họ chính là thủ phạm. Hàng triệu triệu công nhân, nông dân, người lao động… bị thất nghiệp, không có tiền mua sắm cho vợ con tấm áo mới, không có khả năng chu toàn mâm cơm cúng tươm tất trong 3 ngày Tết. Thân nhân của những tử sĩ hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa, hay gia đình ngư dân bị giết hại trên biển Đông… sẽ nghĩ gì khi nghe những “thành tích, thắng lợi” giả tạo như trên?

Khi nào thì người dân thoát ra khỏi cuộc sống như thế này?

Khi nào thì người dân thoát ra khỏi cuộc sống như thế này?

Như thế, nếu người dân không cương quyết xử dụng quyền làm chủ đời sống, làm chủ đất nước của mình, thì tương lai của con cháu chúng ta vẫn tiếp tục đen tối như hoàn cảnh của chúng ta ngày hôm nay. Những thế hệ trẻ vẫn sống cuộc đời làm nô lệ cho miếng cơm manh áo, trên một đất nước càng ngày càng bị thu hẹp trước tham vọng của bá quyền phương Bắc.

Đây không phải là điều e sợ viển vông, mà đã được các quan chức cộng sản hé lộ qua các phát biểu đầy u mê trong những ngày đầu Xuân. Nguyên phó ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương rao giảng về dân chủ như sau: “Tất cả là vấn đề dân chủ. Phải để cho quần chúng chọn. Tôi mới ngồi nói chuyện với cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ về mô hình nông thôn mới của Hàn Quốc. Chỉ 1 anh trưởng thôn và 5 người phụ trách đoàn thể nhưng quyết làm đường hay làm con sông thì đưa ra công khai dân bàn. Anh trưởng thôn tất nhiên do dân bầu ra. Tôi rất tán thành bầu chủ tịch xã, và cả ý tưởng dân bầu chủ tịch thành phố Đà Nẵng. Cứ để dân lựa chọn và hãy tin rằng dân ta sáng suốt”.

Hay như thế này?

Hay như thế này?

Tự cho mình tước đi của người dân cái quyền bầu chọn những người lãnh đạo, và coi việc cho họ được quyền bầu chủ tịch xã là một hành động ban ơn. Thật là quan điểm hủ lậu, độc đoán, ngồi trên đầu cả dân tộc.

Một trường hợp khác, đại sứ CSVN tại Mỹ là Lê Công Phụng chỉ trích dân biểu Louisiana Cao Quang Ánh là “đi nói xấu Việt Nam, chống lại đồng bào mình”… vì dân biểu Ánh dự trù vận động chính phủ Mỹ bỏ tên CSVN vào danh sách CPC, những quốc gia cần theo dõi vì đàn áp tôn giáo.

Từ trước đến nay CSVN thường lên án những người chỉ trích những sai lầm của họ là “chống lại đất nước, phản lại nhân dân”. Việc nhập nhằng đồng hoá mình với cả dân tộc là thủ đoạn bất lương mà lãnh đạo CSVN vẫn cố tình xử dụng hầu tạo sự ngộ nhận để mong khích động một số người thiếu suy nghĩ. Cũng như họ đã tự khoác cho mình cái danh nghĩa bất chính là cả dân tộc, để cưỡng ép hơn 80 triệu người dân Việt Nam phải tôn thờ một chủ nghĩa lạc hậu, phải đi vào con đường hoàn toàn trái ngược với ý muốn của toàn dân, để đất nước bị rơi vào tình trạng lạc hậu như hôm nay.

Vì thế, chúng ta cần vạch trần thủ đoạn bất chính này. Chúng ta cần khẳng định mạnh mẽ rằng chế độ CSVN không phải là dân tộc Việt Nam, không phải là đất nước Việt Nam. Họ cũng không có tư cách đại diện cho dân tộc hay đất nước Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước đấu tranh chống lại chế độ độc tài vì họ yêu đất nước Việt Nam. Chính vì tình yêu nước nồng nàn mà họ đã dũng cảm bất chấp mọi đàn áp của bạo quyền, dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ, bởi vì chỉ có một thể chế dân chủ mới mang lại cho dân tộc Việt Nam cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Để đất nước Việt Nam sớm có một ngày mai tươi sáng, toàn thể mọi người Việt Nam cần hỗ trợ tích cực cho những hoạt động này. Hãy can đảm và mạnh mẽ cùng đấu tranh để diệt trừ những hành động đang làm hoen ố danh dự của dân tộc Việt Nam. Chính hành động đàn áp những nhà dân chủ mới là chống lại đồng bào mình. Chính việc cướp đoạt đất đai tài sản của người dân và các giáo hội mới là chống lại đồng bào. Chính hành động dẫm đạp lên công lý, thực thi luật lệ rừng rú mới là chống lại đồng bào. Chính hành động tham nhũng hối lộ, rút ruột các dự án, mua quan bán chức mới là phá hoại đất nước. Chính hành động buôn lậu sừng tê giác, ăn cắp tiền viện trợ… mới làm ô danh 2 chữ Việt Nam. Chính những thoả thuận bán nước làm mất đất mất biển mới là phản bộ lại dân tộc… Một số sự kiện lớn diễn ra trong năm 2008 cho thấy các quan chức CSVN chính là tác giả của những hành động này.

Khi đấu tranh để diệt trừ những hành động xấu xa nói trên, hay nói một cách khác, khi chấm dứt chế độ độc tài, thực hiện tự do dân chủ, người dân Việt Nam mới có thể khôi phục lại danh dự cũng như niềm tự hào của dân tộc. Đó là nghĩa vụ của tất cả những người Việt Nam chân chính. Trong không khí hân hoan của những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu, những người Việt Nam yêu nước sẽ không để CSVN tiếp tục lừa bịp bằng những thủ đoạn tự đồng hoá nhập nhằng như vậy nữa. Hãy tích cực làm những hành động thiết yếu để thực hiện dân chủ, bởi vì “Chống độc tài là yêu nước!”.


Lãnh Đạo Nói Dối, Cán Bộ Ăn Cắp

14/01/2009

Ngô Văn

ancap

Từ thủa ấu thơ, bên cạnh những điều hay lẽ phải, điều đầu tiên trẻ em được giáo dục trong gia đình cũng như ở học đường là không nói dối và không ăn cắp. Trẻ em nói dối và ăn cắp trong gia đình đã là điều xấu; tuy nhiên, thường thì cũng được phụ huynh bỏ qua sau khi dạy dỗ; nhưng, nếu nói dối và ăn cắp ngoài xã hội thì có khi trở thành lớn chuyện, hay ít nhất cũng làm ô danh cho gia đình, dòng họ. Đối với dân thường đã thế, thì với quan chức lãnh đạo đất nước, mức độ sẽ trầm trọng hơn nhiều, đặc biệt là những thói xấu đó lại xẩy ra ở nước ngoài.

Chính quyền cộng sản Việt Nam, từ hồi còn là Việt Minh đã nổi tiếng xảo trá, gian dối, đến độ dân gian có câu “nói dối như vẹm” (chữ vẹm là âm đọc của hai chữ VM, viết tắt của Việt Minh mà ra), thì chuyện quan chức của chính quyền này lừa bịp, ăn cướp tài sản của nhân dân cũng như ăn cắp tài nguyên quốc gia chẳng còn gì là lạ nữa. Với một nhà cầm quyền như vậy thì đương nhiên đất nước và nhân dân là phiá bị thiệt thòi. Nhưng với quyền hành trong tay, họ vẫn có thể hùng hổ cả vú lấp miệng em, coi thường dư luận và ngồi trên pháp luật được. Thói quen nói dối và ăn cắp của thành phần ăn trên ngồi trốc này không dừng lại ở biên giới quốc gia. Nhưng ở nước ngoài thì họ không thể coi thường dư luận, hay bịt miệng được báo chí như vẫn làm ở trong nước. Do đó, đã bao lần người Việt nam bị nhục nhã lây vì những hành vi vô giáo dục của các quan chức cộng sản Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyện ông đại sứ Lê Văn Bàng đào sò trái phép bị cảnh sát New York bắt, rồi nói dối là không biết tiếng Anh và khai man với cảnh sát, đã được báo chí Mỹ đăng đi đăng lại nhiều lần. Chuyện lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam nói dối không ngượng miệng với những nguyên thủ hay trước Quốc hội các quốc gia mời họ đến thăm, về những quyền tự do dân chủ chỉ có trong tưởng tượng ở Việt Nam; hay khi bị ký giả chất vấn về vấn đề tham nhũng, hối lộ trong những buổi họp báo, thì đều chối leo lẻo,… tất cả đều đã được giới truyền thông độc lập ở nước ngoài vạch trần. Tuy nhiên, báo chí của nhà nước Việt Nam chẳng hề thông tin cho dân chúng biết về những chuyện nhục nhã này. Nhưng, không vì thế mà nhà nước có thể bịt mắt được dân chúng. Sự tiến bộ của truyền thông, đặc biệt là của internet, đã khiến chân tướng của những quan chức nhà nước ra nước ngoài, dần dần bị phơi bày. Chỉ nội trong năm 2008, đã có một danh sách khá dài về những hành vi vô giáo dục của cán bộ cộng sản Việt Nam ở nước ngoài.

Cảnh sát Nhật bắt giữ phi công Đặng Xuân Hợp tại phi trường Fukuoka.

Cảnh sát Nhật bắt giữ phi công Đặng Xuân Hợp tại phi trường Fukuoka.

Chuyện buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi, đi ăn cắp rượu ở Singapore, ăn cắp kính mát bị bắt ở tù ở Thái Lan; chuyện phi hành đoàn Vietnam Airlines bị bắt ở Sydney (Úc) về tội đem lậu 6 triệu rưỡi Úc Kim vào nước này; chuyện tiếp viên hàng không Việt Nam cất giấu hơn 300 ngàn đồng Euro cùng một khối lượng lớn mỹ kim bị quan thuế Hàn quốc câu lưu; rồi mới đây chuyện phi công Đặng Xuân Hợp bị bắt ở phi trường quốc tế Narita (Nhật) về tội chuyển hàng ăn cắp về Việt Nam, và tất cả các cơ sở của Vietnam Airlines đều bị khám xét, lòi ra nhiều thùng hàng ăn cắp, toàn đồ mỹ phẩm đắt giá, chưa kịp chuyển vận về Việt Nam.

Những người làm các chuyện xấu như vừa kể trên không phải vì nghèo mà đi ăn cắp. Họ toàn là cán bộ, quan chức cao cấp của đảng và nhà nước CSVN, hay ít ra cũng là con cháu, bà con với giới lãnh đạo. Thói quen xem thường luật pháp, coi thường dư luận, coi thường dân chúng của họ ở trong nước, khi ra nước ngoài cộng chung lại thành coi thường thể diện quốc gia.

Đương nhiên là bất cứ người Việt Nam nào còn chút liêm sỉ cũng đều phẫn nộ về hành vi của đám tay chân thân tín, được đảng và nhà nước cộng sản Việt nam cho đi nước ngoài vừa nêu. Nhân vụ PCI và VietNam Airlines, vụ buôn sừng tê giác,…. nhà nước cộng sản Việt Nam không thể che giấu được nữa, nhiều người nay mới có cơ hội nói lên sự nhục nhã của một đất nước, một dân tộc bị cai trị bởi một chính quyền đầy dẫy những người ăn cắp và nói dối . Đặc biệt là sự nhục nhã của những người cầm hộ chiếu nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra nước ngoài.

Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã bị hệ thống truyền thông nhà nước đấu tố kịch liệt khi ông nói lên nỗi nhục vừa kể, giờ đây các loa đài này im thin thít…. Người ngoại quốc có thể không phân biệt được ai là người của chính quyền, ai là dân thường, và họ coi khinh cả dân tộc Việt Nam. Nhưng người Việt Nam thì biết rõ và vô cùng khinh miệt cái chế độ mà lãnh đạo thì chuyên nói dối, còn quan chức, cán bộ khi ra nuớc ngoài thì buôn lậu, ăn cắp.