CSVN Kết Án Nhà Yêu Nước Phạm Thanh Nghiên

29/01/2010

VIỆT NAM CANH TÂN CÁCH MẠNG ĐẢNG

Email: lienlac@viettan.org
Web: http://www.viettan.org
Blog: https://vnctcmd.wordpress.com

****

Ngày 29 tháng 1 năm 2010

Bản Lên Tiếng

Cộng Sản Việt Nam Kết Án Nhà Yêu Nước Phạm Thanh Nghiên

Sau một phiên tòa chưa đầy 4 giờ đồng hồ tại Hải Phòng vào sáng ngày 29/1/2010, CSVN kết án Nhà Yêu Nước Phạm Thanh Nghiên 4 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh vi phạm điều 88 – tuyên truyền chống lại nhà nước. Tội trạng của chị là đã viết bài phản đối và kêu gọi mọi người tọa kháng chống Trung Quốc xâm lược, cũng như đã đi thăm viếng các ngư dân bị nạn trên biển Đông.

Trước tòa, chị Phạm Thanh Nghiên khẳng khái phủ nhận các vu cáo vô căn cứ của chế độ. Chị tự cho mình chỉ có một lỗi duy nhất là đã không có phương tiện để thu lại lời kể của từng thân nhân những ngư dân bị hải quân Trung Quốc bắn giết, đánh đập, và cướp bóc, để báo động với cả nước.

Lo sợ trước những bằng chứng mà chị Phạm Thanh Nghiên đưa ra trước tòa, nhà cầm quyền CSVN đã không dám để các đại diện sứ quán và ký giả ngoại quốc đến dự phiên tòa, dù chỉ theo dõi qua màn hình. Ngay cả mẹ của chị Phạm Thanh Nghiên cũng bị công an bao vây tại nhà, không cho đến tòa tham dự phiên xử.

Trong 2 tuần vừa qua, đã có tất cả 15 Nhà Yêu Nước bị bịt miệng bằng những bản án tù nặng nề. Cùng lúc đó, nhà cầm quyền mở diễn đàn cho đại sứ Trung Quốc dạy dỗ cả nước Việt Nam hãy cúi đầu chấp nhận sự xâm lấn ngang ngược của Bắc Kinh trên biển Đông.

Trước những sự kiện này, Đảng Việt Tân khẳng định:

  • Tấm gương Phạm Thanh Nghiên là chứng tích hiển hách của giòng máu con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, và biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam từng chung vai giữ nước.
  • Hiểm họa ngoại xâm từ Trung Quốc đang ngày càng nguy hiểm hơn với sự tiếp tay của nhà cầm quyền CSVN.
  • Sử sách Việt Nam sẽ công minh đối với những người con yêu nước và những kẻ phản bội. Dân tộc Việt Nam sẽ tìm mọi cách bảo vệ đất nước bất chấp sự phản bội của thiểu số lãnh đạo đảng CSVN hiện nay.

Ngày 29 tháng 1 năm 2010
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

—- oOo —-

Lời kêu gọi cuối cùng của chị Phạm Thanh Nghiên trước khi bị bắt đi vào tháng 9/2008:

“50 mươi năm trôi qua [kể từ ngày có công hàm Phạm Văn Đồng] nhưng chúng ta không thể quên. Vì một phần thân thể của đất mẹ vẫn còn bị cắt đứt. Chúng ta không thể cúi đầu. Vì danh dự và tự hào dân tộc vẫn là một vết nhục chưa được xóa nhòa. Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai.”

—- oOo —-

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 – http://www.viettan.org – vnctcmd.wordpress.com

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước


Người Tù Vì Tự Do

27/10/2009

Vào ngày 6 – 9/10/2009 chế độ CSVN đã đem các nhà yêu nước sau đây ra kết án:

Nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà giáo Vũ Hùng, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, Sinh Viên Ngô Quỳnh, Ông Nguyễn Văn Tính, Ông Nguyễn Văn Túc, Ông Nguyễn Kim Nhàn và Ông Nguyễn Mạnh Sơn.

Bản án tổng cộng dành cho các ông là 59 năm tù và quản chế chỉ vì tội tuyên nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.

Ngay sau các phiên tòa đầy tính Hèn Với Giặc – Ác Với Dân này, nhạc sĩ Nguyệt Ánh đã cảm tác bản nhạc sau đây. Ban Biên Tập WebVT xin trân trọng giới thiệu:

NguoiTuViTuDo1bNguoiTuViTuDo2b


Nhà Giáo Yêu Nước Vũ Hùng Tuyệt Thực Phản Đối Bản Án

14/10/2009

Radio Chân Trời Mới
Tin nhanh số 12
Lúc 2:00 sáng ngày 14/10/2009 giờ Việt Nam

arton9084-cc8ccVào chiều ngày 13/10/2009, thân nhân của nhà giáo Vũ Hùng gồm cụ thân sinh của ông, vợ ông là bà Lý Thị Tuyết Mai, và con gái của ông đã đến trại giam để thăm nuôi. Tuy nhiên, quản trại từ chối, không cho gặp với lý do nhà giáo Vũ Hùng đang “vi phạm nội qui trại”.

Khi bị gặng hỏi nhiều lần, cán bộ trại mới cho biết ông Vũ Hùng đã tuyệt thực gần 7 ngày qua để phản đối bản án chế độ CSVN áp đặt lên ông. Vào ngày 7/10/2009, sau vỏn vẹn 3 giờ “xét xử”, tòa án Hà Nội đã kết án ông 3 năm tù giam và 3 năm quản chế. Trọng tội của ông là đã cùng với 8 nhà yêu nước khác treo biểu ngữ tuyên nhận Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam và kêu gọi cải thiện nhiều mặt tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay. Tại phiên tòa ông khảng khái duy trì quan điểm hết lòng vì nước vì dân của mình. Ông phủ nhận các cáo buộc vô lý của chế độ và tuyên bố “Tôi chỉ muốn đóng góp tiếng nói nhỏ bé của tôi để xã hội tốt đẹp hơn.”

Kể từ ngày bị bắt vào năm ngoái, 18/9/2008, đến nay gia đình vẫn không được gặp mặt nhà giáo Vũ Hùng. Tại phiên tòa ngày 7/10/2009, sau khi bị tuyên án, ông đã cố gắng tiến lại để an ủi vợ vài lời nhưng công an lập tức ngăn bà Mai lại và kéo ông ra khỏi tòa.

Vào ngày 9/10/2009, tức chỉ 2 ngày sau khi có bản án phi lý và bất công này, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã phát động lời kêu gọi hành động khẩn cấp đến các thành viên trên khắp thế giới để tranh đấu cho nhà giáo Vũ Hùng.

RadioCTM


Khi bọn phản quốc kết tội những Người Yêu Nước

10/10/2009

arton9063-bd62dTheo dõi vụ xử án tại Hà Nội và Hải Phòng trong những ngày vừa qua, lòng tôi cứ nhớ đến những vụ án tương tự cách đây gần tám chục năm. Đó là vụ chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp xét xử các nhà cách mạng Việt Nam tranh đấu cho nền độc lập tự chủ của nước nhà. Đó là vụ xử án anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông ngày 23.3.1930. Với chính sách đàn áp dã man mọi cuộc nổi dậy của nhân dân ta, tên toàn quyền thực dân Pasquier [1] sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Yên Bái và bắt được nhiều chiến sĩ yêu nước, đã không giao cho ngành tư pháp thụ lý mà đã ký nghị định thành lập cái gọi là “Hội Đồng Đề Hình” [2] để kết tội các tù nhân chính trị mà không cần các thủ tục pháp lý như biện hộ, chống án v.v… Hội đồng này đã tuyên bố hàng trăm bản án tử hình, hàng trăm bản án tù đày biệt xứ đối với những người yêu nước chống đối chúng.

Vụ xử án chín người yêu nước trong các ngày 6, 7, 8 và 9/10/2009 vừa qua tại Hà Nội và Hải Phòng thật không khác gì các phiên xử tù nhân chính trị thời thực dân Pháp Pasquier, nếu không muốn nói là tệ hại hơn, bỉ ổi hơn. Tệ hại hơn ở chỗ CSVN đã dùng ngay hệ thống tư pháp của mình bao gồm điều 88 bộ luật Hình Sự và tòa án của họ để gán ghép tội lỗi cho những người công dân Việt Nam. Đây là điều mà tên toàn quyền thực dân Pasquier không dám làm để tránh bị người ta đánh giá nền tư pháp của Pháp là man rợ, mà phải lập ra Hội Đồng Đề Hình để xử tội những người yêu nước Việt Nam. Bỉ ổi hơn ở chỗ thực dân Pháp là quân xâm lược chiếm đóng nước ta, nên chúng thẳng tay đàn áp dân thuộc địa nổi loạn bằng bạo lực chống lại chúng. Trái lại, chính quyền cộng sản coi những người Việt Nam chống đối lại chúng một cách ôn hòa, bất bạo động, như kẻ thù khác giống nòi và đã không ngần ngại gán ghép những người yêu nước vào cái tội vu vơ là “tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam” để giáng lên đầu họ những án tù nặng nề, vô lý.

Groupe_Colons_Indochine

Thực dân Pháp tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19.

Họ là ai? và họ đã làm gì nên tội?

Sinh viên Ngô Quỳnh, sinh năm 1984 đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội nhân cuộc rước đuốc thế vận Bắc Kinh, ngày 29/4/2008, hô hào bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối Trung Quốc xâm lược. Anh bị kết án 3 năm tù kèm theo 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Kim Nhàn, 60 tuổi, dân oan bị chính quyền tịch thu nhà đất, đi khiếu kiện nhiều năm ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội. Đầu tháng 9/2008 đã cùng một số người treo biểu ngữ phản đối các tệ nạn đang hoành hành trên đất nước. Ông lãnh án 2 năm tù và 2 năm quản chế.

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, 66 tuổi, cựu đảng viên đảng CSVN, cán bộ hồi hưu, đã có nhiều bài viết và thơ đòi hỏi đa nguyên, đa đảng. Ông đã cùng các bạn treo biểu ngữ trên cầu vượt tại Hải Phòng hồi đầu tháng 9/2008 đòi hỏi bảo vệ biên giới và chủ quyền quốc gia cũng như thực hiện đa nguyên đa đảng. Ông bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, 60 tuổi, là một trong những người đứng đầu khối Dân Chủ 8406. Bị công an bắt và đánh đập dã man khi ông cùng sinh viên tổ chức biểu tình bất bạo động chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo Việt Nam. Ông bị 6 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Tính, sinh năm 1942, cựu cán bộ giảng dậy, đã sớm có ý thức dân chủ và đã bị tù trong 2 thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Ông đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên. Ông lãnh bản án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Túc, 45 tuổi được biết đến qua nhiều bài viết tố cáo những bất công xã hội và nạn tham nhũng cũng như sự hủ hóa của đảng CSVN. Ông bị bắt vì tham gia treo biểu ngữ trên cầu vượt ở Hải Phòng. Ông bị tuyên án 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Anh Phạm Văn Trội, sinh năm 1972, tham gia tranh đấu cho Nhân Quyền từ năm 2006. Nhiều lần bị công an sách nhiễu, đấu tố, đánh đập. Anh bị 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Vũ Hùng, 43 tuổi, là giáo viên tại tỉnh Hà Tây, đã bị bắt và sách nhiễu bởi công an nhiều lần từ năm 2007. Thày giáo Hùng đã tham gia cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên Hà Nội chống Trung Quốc và bị bắt, bị hành hung dã man. Thày giáo Hùng bị tòa án Hà Nội kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.

Nhà thơ Trần Đức Thạch, sinh năm 1952, là bộ đội phục viên của chế độ. Ông đã sớm có những tư tưởng tự do, dân chủ, chống độc tài từ thập niên 90. Ông đã bị tòa án Hà Nội lén lút đưa ra xét xử vào ngày 6/10/2009. Thân nhân và bạn bè không được thông báo, không có luật sư biện hộ mặc dù CSVN tuyên bố là công khai xét xử theo đúng pháp luật. Ông bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.

Chín bản án vừa rồi là một xỉ nhục cho chế độ cộng sản tại Việt Nam. Các tòa án của chế độ đã không có bằng chứng cũng như yếu tố thuyết phục để buộc tội các bị cáo. Kết tội các bị cáo “tuyên truyền chống Nhà Nước” trong lúc mọi phương tiên thông tin tuyên truyền đều nằm trong tay Nhà Nước là chuyện bỉ ổi không thể tưởng tượng nổi. Như vậy, thực chất là không có vấn đề “tuyên truyền chống Nhà Nước”. Vấn đề ở chỗ nào?

Nhìn lại quá trình cũng như bản cáo trạng, người ta thấy cả 9 bị cáo đều có chung một số hoạt động. Đó là họ tuyên xưng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ biên giới, biển đảo.

Triet_Trong_Dung_Manh_300

Có kẻ bán nước đang nằm ở thượng tầng Nhà Nước CSVN.

Họ lên án và phản đối Trung Quốc xâm lược. Chính những hoạt động này đã đụng chạm đến chủ nhân của bọn bán nước. Bọn này đã cúi đầu làm theo chỉ thị của Bắc Kinh để trừng phạt những kẻ nào dám chống Thiên Triều. Lịch sử đã ghi nhiều tên việt gian bán nước, theo ngoại bang giết hại người Việt Nam yêu nước. Nhưng hồi đó, quân ngoại bang chiếm đóng nước ta, đô hộ dân ta, nên có nhiều kẻ vì ham danh lợi, vì bị ép buộc đã làm việc cho giặc. Ngày hôm nay, bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành được độc lập, tại sao còn có chuyện Trung Quốc hoành hành tại nước ta? Hiển nhiên là có kẻ bán nước đang nằm ở thượng tầng Nhà Nước CSVN. Bọn này sợ đụng chạm đến quan thày của chúng và sẽ mất đi sự che chở, mất đi con đường tháo chạy khi nhân dân đứng lên hỏi tội chúng. Vì thế đã có những phiên tòa, những bản án phi lý, bất công vừa qua.

CSVN đã một lần nữa chứng tỏ trước nhân dân ta là họ dựa vào thế lực ngoại bang, làm tay sai, đầy tớ ngoại bang và quay lại đàn áp nhân dân ta. Bọn bán nước mượn danh giai cấp công nhân để lên nắm chính quyền, nhưng giai cấp công nhân là giai cấp cần cù lao động để làm ra miếng ăn, làm ra của cải. Bọn mạo danh, bản chất là thành phần cặn bã của xã hội, chây lười, ăn bám, bóc lộ, độc tài.

Là người Việt Nam ai cũng phải thấy được phải lấy dân tộc làm căn bản, lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Tại khu di tích lịch sử Nguyễn thái Học ở Yên Bái, nơi thực dân Pháp đã dựng máy chém, nơi các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hiên ngang hiến mình cho Tổ Quốc, giữa hai phần tượng đài và phần mộ là một tấm bia lớn cách điệu. Trên hai mặt bia đều khắc dòng chữ vàng “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ ” (Louis Aragon). Mỉa mai thay, những lời lẽ này lại do chính quyền Yên Bái khắc ghi khi xây dựng khu di tích này từ 1991 đến 2002.

Trần Đức Tường

[1] Pierre Marie Antoine Pasquier. Toàn quyền từ 1926 đến 1934.

[2] Commission criminelle


59 năm dành cho 9 nhà dân chủ yêu nước phản ảnh bản chất phản dân tộc của CSVN

09/10/2009

image001Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Văn Phòng Trung Ương

2530 Berryessa Rd #234, San Jose, CA 95132, USA. Tel:(408) 347-8830; Email:lienlac@viettan.org

****

Ngày 9 tháng 10 năm 2009

Bản Lên Tiếng Của Đảng Việt Tân Về Phiên Tòa Xét Xử Các Nhà Yêu Nước

Bản án 59 năm dành cho 9 nhà dân chủ yêu nước phản ảnh bản chất phản dân tộc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam

Trong các ngày 6, 7, 8 và 9 tháng 10 vừa qua, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã dựng lên những phiên tòa tại Hà Nội và Hải Phòng để kết án 9 nhà dân chủ yêu nước, chỉ vì họ đã lên tiếng và có những hành động nhằm kêu gọi người Việt Nam cùng nhau bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo cho Việt Nam và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền.

  • Nhà Thơ Trần Đức Thạch bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
  • Nhà giáo Vũ Hùng bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
  • Kỹ sư Phạm Văn Trội bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế.
  • Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị kết án 6 năm tù và 3 năm quản chế.
  • Sinh Viên Ngô Quỳnh bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế.
  • Ông Nguyễn Văn Tính bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.
  • Ông Nguyễn Văn Túc bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế.
  • Ông Nguyễn Kim Nhàn bị kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế.
  • Ông Nguyễn Mạnh Sơn bị kết án 3 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế.

Lòng yêu nước của 9 nhà dân chủ nói trên đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trấn áp bằng 59 năm giam cầm (32 năm tù giam và 27 năm quản chế). Trong khi đó, Đào Duy Quát, Tổng biên tập trang điện tử đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho đăng tải bản tin ca ngợi cuộc diễn tập quân sự của quân đội Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa trên trang điện tử của đảng, chỉ bị khiển trách rất nhẹ sau khi bị dư luận lên tiếng phản đối. Sự đối xử phi lý và bất công này cho thấy kết quả phiên tòa không chỉ là đòn trấn áp những người Việt Nam yêu nước mà còn phản ảnh bản chất phản dân tộc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

Đảng Việt Tân cực lực lên án hành động bán nước của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, cũng như phản đối các bản án đối với các nhà dân chủ.

Đảng Việt Tân kêu gọi đồng bào, các đoàn thể cùng nhau tiếp tục đấu tranh để đòi hỏi lãnh đạo Hà Nội phải trả tự do ngay tức khắc cho 9 nhà dân chủ yêu nước và cô Phạm Thanh Nghiên đã bị bắt giữ từ tháng 9 năm ngoái nhưng không đưa ra xét xử cũng như tất cả những người Việt Nam yêu nước khác đang bị giam giữ một cách tùy tiện.

Đảng Việt Tân sẽ cùng với những người yêu nước tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại vận động những tổ chức và những quốc gia dân chủ trên thế giới đưa nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ra trước các diễn đàn quốc tế về tội bắt bớ và trấn áp người một cách tùy tiện.

Dân tộc Việt Nam chắc chắn không để cho chế độ phản dân tộc hiện nay tiếp tục bán nhượng lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc cho ngoại bang và đàn áp những người yêu nước.


Ngày 9 tháng 10 năm 2009
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 – http://www.viettan.org

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước


24/09/2009

tcbc1-blogNgày 23 tháng 9 năm 2009

Thông Cáo Báo Chí

Thư gởi Liên Hiệp Quốc của Thân Nhân 8 Nhà Dân Chủ

Nhà cầm quyền CSVN vừa quyết định hoãn cả 3 phiên tòa dự trù xét xử 8 nhà dân chủ tại Hải Phòng và Hà Nội vào ngày 24 và 25/9/2009. Đây là hành động nhằm giảm bớt sự mất mặt và chất vấn của thế giới đối với ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước CHXHCNVN, khi ông này đến đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2009.

Chúng tôi cũng vừa nhận được một bức thư chung của thân nhân 8 nhà dân chủ gởi ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và nguyên thủ các quốc gia sắp nhóm họp tại New York, Hoa Kỳ. Nguyên văn bức thư như sau:

—- oOo —-

Việt Nam, ngày 24 tháng 9 năm 2009

Kính gửi: Ông Ban Ki Moon – Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc,

Kính gửi: Các vị nguyên thủ quốc gia tại cuộc họp khoáng đại Liên Hiệp Quốc ở New York tháng 9/2009.

Về việc: Kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và can thiệp cho các nhà dân chủ đang bị tù ngục.

Chúng tôi ký tên dưới đây là thân nhân của các nhà bất đồng chính kiến đang bị lực lượng an ninh Việt Nam bắt giữ kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2008 đến nay, bao gồm:

* Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, 60 tuổi,

* Sinh viên Ngô Quỳnh, 25 tuổi,

* Thầy giáo Vũ Hùng, 43 tuổi,

* Kỹ sư Phạm Văn Trội, 40 tuổi,

* Ông Nguyễn Mạnh Sơn, 66 tuổi,

* Ông Nguyễn Văn Tính, 67 tuổi,

* Ông Nguyễn Văn Túc, 45 tuổi,

* Ông Nguyễn Kim Nhàn, 60 tuổi.

Tất cả thân nhân chúng tôi đều bị kết tội “tuyên truyền chống lại chế độ” theo điều 88 Luật Hình Sự, chỉ vì họ lên tiếng kêu gọi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và hải đảo cho Việt Nam và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền.

Với những hành động kể trên, thân nhân chúng tôi không hề có tội. Họ là những người Việt Nam yêu nước, đang đấu tranh ôn hoà cho lý tưởng Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam. Đây là những quyền được ghi rõ trong hiến pháp Việt Nam. Hơn thế nữa, đây còn là những giá trị có tính toàn cầu như đã được khẳng định trong các giao ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt, điều 19 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền khẳng định, công dân bất kể ở quốc gia nào, đều có “quyền tìm kiếm và thu nhận thông tin, quyền bày tỏ quan điểm ở bất cứ đâu và không phụ thuộc vào ranh giới, bất kể hình thức phát biểu, viết, in ấn hay phổ biến bằng những phương tiện thông tin đại chúng”; và điều 9 của văn bản này cũng xác định: “không ai là nạn nhân của chính sách giam cầm, truy tố hay truy bức một cách tuỳ tiện”.

Nhân phiên họp khoáng đại Liên Hiệp Quốc vào ngày 24/9/2009 có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và các vị nguyên thủ quốc gia thành viên can thiệp trực tiếp với ông Nguyễn Minh Triết, yêu cầu chính phủ Việt Nam tuân thủ các ký kết về nhân quyền với Liên Hiệp Quốc; chấm dứt đàn áp các nhà bất đồng chính kiến; tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho thân nhân của chúng tôi.

Chân thành cảm ơn sự quan tâm của quí vị.

Việt Nam, ngày 24 tháng 9 năm 2009

Đồng Ký Tên

1- Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Hải Phòng, Việt Nam

2- Ngô Quyền, anh của sinh viên Ngô Quỳnh, Bắc Giang, Việt Nam

3- Lý Thị Tuyết Mai, vợ ông Vũ Hùng, Hà Tây, Việt Nam

4- Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Phạm Văn Trội, Hà Tây, Việt Nam

5- Nguyễn Thị Thảo, vợ ông Nguyễn Mạnh Sơn, Hải Phòng, Việt Nam

6- Dương Thị Hài, vợ ông Nguyễn Văn Tính, Hải Phòng, Việt Nam

7- Bùi Thị Rè, vợ ông Nguyễn Văn Túc, Thái Bình, Việt Nam

8- Ngô Thị Lộc, vợ ông Nguyễn Kim Nhàn, Bắc Giang, Việt Nam

—- oOo —-

Ngày 23 tháng 9 năm 2009
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-0845 – http://www.viettan.org

Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước

PDF - 150.7 kb

Tư Duy Mới Về An Ninh Của Cộng Sản Việt Nam?

22/08/2009

20090822-Tu duy moi ve an ninh cua csvnĐến tham dự buổi lễ kỷ niệm 64 năm ngày thành lập ngành công an nhân dân tại Bộ công an ở Hà Nội hôm 19 tháng 8, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Cộng sản Việt Nam, đã có một bài nói chuyện khá đặc biệt. Ngoài việc đề cập về một số nhiệm vụ mới của ngành công an, ông Dũng đã đặc biệt chỉ thị Bộ công an thay đổi cung cách hoạt động với một tư duy mới nhằm đáp ứng những biến chuyển của tình hình Việt Nam mà ông Dũng gọi là “đột biến” trong hai năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Tấn Dũng thì tư duy mới đó là: “cần phải nhạy bén, đặt an ninh quốc gia trong mối quan hệ qua lại với kinh tế, xã hội để bảo đảm vững chắc an ninh chính trị”. Với tư duy này, ông Dũng đã chỉ thị cho lực lượng công an phải: “tập trung đấu tranh, ngăn chận các thủ đoạn kích động ly khai dân tộc. Tăng cường triệt phá, bóc gỡ tình báo gián điệp. Chủ động ngăn chận không để xảy ra bạo loạn. Ngăn chận cho được việc lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm pháp luật gây rối trật tự xã hội”. Và để làm được những điều trên, ông Dũng còn yêu cầu lực lượng công an phải nắm bắt tình hình, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Cái gọi là tư duy mới mà ông Dũng chỉ thị cho ngành công an nói trên, thật ra không có gì là mới ngoại trừ ông Dũng nêu lên vấn đề “đột biến” của tình hình kinh tế, xã hội trong hai năm trở lại đây, chứng tỏ những cuộc nổi dậy của quần chúng mà ông Dũng gọi là các cuộc bạo loạn xã hội đã làm chế độ của ông lo sợ. Thật vậy, những vấn đề mà ông Dũng yêu cầu lực lượng công an phải ngăn chận – không phải là những điều chưa hề xảy ra, nhưng do nhịp độ xảy ra dồn dập, đã đẩy lực lượng công an càng lúc càng rơi vào tình thế lúng túng đối phó. Những vấn đề an ninh mà ông Dũng yêu cầu lực lượng công an phải giải quyết tập trung vào 4 hiện tượng như sau:

Thứ nhất là ngăn chận các thủ đoạn kích động ly khai dân tộc. Ông Dũng muốn ám chỉ đến những cuộc chống đối của đồng bào sắc tộc tại Tây Nguyên ầm ĩ kéo dài hơn 2 thập niên qua. Ông Dũng từng là Thứ trưởng Bộ công an trước khi được ông Võ Văn Kiệt bổ nhiệm làm phó Thủ tướng đặc trách ổn định Tây Nguyên từ năm 2000, cho thấy là tình hình Tây Nguyên đã không ổn định chút nào. Cuối tháng 7 vừa qua, lực lượng công an đã khoe là bắt giữ hai người lãnh đạo cao cấp nhất của lực lượng FULRO tại Gia Lai. Theo công an mô tả thì hai người này đã hoạt động chống lại nhà nước Cộng sản Việt Nam trong suốt 20 năm qua, nhờ sự che giấu của các buôn làng ở vùng Tây Nguyên. Sự khoe khoang thành tích này đã để lộ cho người ta thấy là lực lượng công an và cả ông Nguyễn Tấn Dũng đều thất bại trong việc ngăn chận sức đối kháng bền bỉ của người sắc tộc.

Thứ hai là triệt phá, bóc gỡ tình báo gián điệp. Đây là thủ đoạn của Hà Nội nhằm ngăn chận quyền tự do thông tin của người dân khi sử dụng mạng Internet để trao đổi quan điểm và tin tức lẫn nhau giữa những người Việt ở trong và ngoài nước. Cộng sản Việt Nam đã từng dùng tội danh gián điệp để gán ghép cho các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn khi những người này đã gửi các bài phê phán chế độ cho những người quen biết ở hải ngoại. Với làn sóng bộc phát của phong trào dân báo qua các phương tiện Blog, Facebook, Youtube, WordPress…. đã làm cho Cộng sản Việt Nam khó có thể ngăn chận những thông tin nhanh chóng về các biến cố xảy ra ở trong nước, nhất là những lúng túng đối phó của công an hay của các cấp chính quyền về các đòi hỏi của dân chúng hiện nay. Những diễn biến này đã làm thu hẹp khoảng không gian quyền lực của chế độ lên đời sống người dân, khiến cho Hà Nội lo ngại. Nhưng Hà Nội lại không dám công nhận sự yếu kém này mà lại đổ cho sự xúi giục của các thế lực từ bên ngoài, và hô hào lực lượng an ninh phải tận lực bóc gỡ tình báo gián điệp. Điều này cho thấy là ông Dũng và lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam đã bị ám ảnh cùng tột khi nhìn đâu cũng thấy có kẻ thù, gián điệp.

Thứ ba là ngăn chận không để xảy ra bạo loạn. Đây là mối lo canh cánh bên lòng của cấp lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ khi biến cố Đông Âu bùng nổ vào năm 1989, đưa đến sự tan rã toàn diện các chế độ cộng sản tại Đông Âu và giựt sập thành trì vô sản chuyên chính tại Liên Xô vào năm 1991. Những thay đổi xã hội đến từ cải tổ kinh tế nhưng tiếp tục kềm kẹp chính trị chắc chắn sẽ tạo ra những hiện tượng chênh lệch giàu nghèo và tham ô nhũng lạm mà dân oan khiếu kiện là trường hợp điển hình. Từ đó những biến động, xung đột giữa các tầng lớp quần chúng giầu nghèo, giữa thường dân và thành phần quyền lực là điều đương nhiên. Hà Nội cho rằng những hiện tượng xung đột, bất mãn này sẽ bị lực lượng dân chủ khai thác để đẩy mạnh những đòi hỏi cải cách về chính trị như đòi dân chủ đa nguyên, tôn trọng nhân quyền, và chế độ đã tuyên truyền rằng những đòi hỏi này sẽ dẫn đến bạo loạn vì có mục tiêu lật đổ chính quyền chuyên chính. Dùng chữ bạo loạn để gán ghép cho những thay đổi dân chủ hóa là âm mưu của Cộng sản Việt Nam nhằm đe dọa nội bộ về nguy cơ tan rã nếu đảng chấp nhận dân chủ đa nguyên. Đây là sự cố thủ trong lô cốt độc tài Mác Lênin của Hà Nội. Sự kiện Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho lực lượng công an tăng cường ngăn chận để không xảy ra bạo loạn cho thấy là hai đối sách về chống tham nhũng và giải quyết vấn đề bồi hoàn ruộng đất của người dân đã không đạt kết quả như chế độ mong muốn.

Thứ tư là ngăn chận cho được việc lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm pháp luật gây rối trật tự. Những cuộc đấu tranh đòi lại tài sản của các cơ sở tôn giáo đã bị Cộng sản Việt Nam chiếm đoạt từ nhiều thập niên qua đã bộc phát một cách mạnh mẽ từ sau khi Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đòi lại Khu Nhà Chung, và Dòng Chúa Cứu Thế đòi lại khu đất ở địa phận Thái Hà từ đầu năm 2008. Làn sóng hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn và lên đến hàng trăm ngàn giáo dân tham dự các Thánh lễ cầu nguyện cho Thái Hà, và mới đây cho Tam Tòa, đã biểu hiện rất nhiều đặc tính của đấu tranh Bất Bạo Động mà công an Cộng sản Việt Nam khó có thể ngăn chận. Các buổi lễ cầu nguyện đã được tổ chức công khai, ôn hòa nên đã thu hút đông đảo giáo dân tham gia. Dù có bị công an giả làm du đãng tấn công, các giáo dân vẫn không chống trả, duy trì kỷ luật và cương quyết tụ tập cầu nguyện dù có bị công an răn đe, sách nhiễu. Có thể nói là lực lượng an ninh cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn bó tay trước các hình thái đấu tranh ôn hòa, bất bạo động của giáo dân qua những buổi lễ này. Giải tán các buổi lễ cầu nguyện của giáo dân không được, Cộng sản Việt Nam lại xách mé gọi đó là “lợi dụng tự do tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, gây rối trật tự”, và núp dưới tội danh vu cáo này để mang một số giáo dân ra xét xử hầu răn đe các giáo dân khác. Rất tiếc cho chế độ là hành vi “côn đồ” này của chính nhà nước đã bị phản ứng ngược, đó là các phiên tòa xét xử những giáo dân bị kết án là vi phạm trật tự xã hội đã biến thành nơi hạch tội chế độ Cộng sản Việt Nam.

Tổng kết lại, những điều mà ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho lực lượng công an ngăn chận trong ngày lễ truyền thống của công an hôm 19 tháng 8 vừa qua cho chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam đang lo ngại những biến chuyển đột phá của tình hình với nguy cơ giựt sập hệ thống đương quyền. Dù cố tình xuyên tạc và bóp méo chính nghĩa của các cuộc đấu tranh, ông Nguyễn Tấn Dũng và lực lượng an ninh đều thấy rõ là số người dân tham gia chống lại chế độ Hà Nội ngày một gia tăng, xảy ra cùng khắp ở nhiều nơi. Những cuộc đấu tranh này rất ôn hòa, bất bạo động khiến cho công an khó có thể tìm lý cớ ngăn chận. Khi phải dùng đến biện pháp vu khống cho các buổi lễ cầu nguyện của giáo dân là “gây rối trật tự” và dở trò vũ phu đối với các vị tu hành cùng các giáo dân tay không tấc sắt, rõ ràng là Cộng sản Việt Nam đã cùng đường và đang tự quấn vào cổ mình những sợi giây oan nghiệt.

Trung Điền
Ngày 22 Tháng 8 Năm 2009


Xin đừng ném cho công an của chế độ CSVN một thắng lợi quá dễ dàng

22/08/2009

20090822-Xin dung nem cho CAViệc giới cầm quyền CSVN bắt giam các nhà dân chủ Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim mới xẩy ra cách đây không lâu đã làm mọi người ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vì một nhà nước khiếp nhược trước ngoại bang trong vụ khai thác bô-xít tại Tây Nguyên và bỏ mặc ngư dân bị giặc Tầu bức hại tại Biển Đông lại có thể hung hãn với những đồng bào, chỉ lên tiếng bảo vệ dân quyền, đến như vậy… Điều khác làm mọi người ngạc nhiên không kém là hình ảnh mới đây trên truyền hình nhà nước của bác Trần Anh Kim, anh Nguyễn Tiến Trung, ông Trần Huỳnh Duy Thức và Ls Lê Công Định. Tất cả đều đồng loạt thú nhận đã “vi phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” và mong được “hưởng khoan hồng”. Cả bốn người này đều là những người đã từng tham gia tố cáo những điều vô lý trong cái gọi là “Pháp luật nhà nước CHXHCNVN”. Thật ra thì chẳng cần nhờ sự tố cáo của họ, vô số đồng bào, và ngay cả bọn làm ra và đang núp sau loại pháp luật đó, đều thấy những vô lý của luật pháp chế độ. Nay bỗng dưng bốn người này lại nói ngược lại một sự thật mà họ đã từng bảo vệ, mà một sự thật thì đâu có thể đảo ngược dễ dàng như vậy? Những nhà tranh đấu tranh dân chủ đó cũng từng thể hiện sự can đảm khi dám công khai đối đầu với chế độ, ngay trong lòng chế độ suốt mấy năm dài. Nhưng nay chỉ trong vài tuần, thậm chí chỉ vài ngày, họ đã có những phát biểu trái ngược lại những gì họ từng tin tưởng và can đảm bảo vệ trong nhiều năm tháng. Do đó, các đoạn TV kể trên không đủ để kết luận gì về 4 nhà dân chủ này nhưng lại mở ra một sự việc sâu xa hơn…

Hiển nhiên, CSVN tưởng rằng khi họ ép được các nhà dân chủ đang bị giam giữ nói trắng thành đen, là họ đã làm nhục các nhà dân chủ, đã làm nhụt chí phong trào dân chủ Việt Nam đồng thời đề cao chế độ CS của họ… Chuyện tinh thần của phong trào dân chủ bị giảm xuống là điều có xẩy ra phần nào và cũng là bình thường trong tiến trình đấu tranh, nhưng chế độ CS không phải vì vậy mà được đề cao. Những lời gọi là thú tội và xin khoan hồng đồng loạt của các nhà dân chủ chỉ nói lên trước cả thế giới sự độc địa và đáng ghê tởm của guồng máy trấn áp con người trong chế độ độc tài CSVN.

Phong trào dân chủ Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào trước thủ thuật đê tiện này của công an CS tùy thuộc vào chính những người đang thực sự đấu tranh cho dân chủ. Tôi xin nhấn mạnh “những người đang thực sự đấu tranh” chứ không phải những người đứng bên lề và bỗng dưng cho mình cái quyền “đòi nợ người đi đấu tranh”. Chính những từ ngữ cay nghiệt, mỉa mai và cả trịch thượng nữa của họ vô tình là phần thưởng và khuyến khích cho các thủ thuật quỉ quyệt của chế độ. Và cũng chính những trách móc vội vã của những người đứng ngoài đã góp phần vô hiệu hóa các nhà dân chủ, đúng như công an CS muốn. Xin nhớ là TẤT CẢ các dữ kiện về sự việc này cho đến nay đều được cung cấp bởi công an CSVN, một cơ quan được chỉ đạo bởi những người mà chúng ta đều biết về mức độ gian xảo và đê hèn.

Bên cạnh phản ứng tiêu cực, trước kịch bản “nhận tội” của các nhà dân chủ sa cơ, cũng có thái độ tích cực của một số tiếng nói đấu tranh trung kiên. Tôi xin phép trích một phần bài nhận định của nhà Dân Báo Phục Hưng (tên gọi của Blogger Sphinx) về trường hợp các nhà dân chủ bị bắt như sau:

Các nhà dân chủ của chúng ta cũng vậy. Người kiên quyết, sẵn sàng chấp nhận cái chết như cha Nguyễn Văn Lý, chị Lê Thị Công Nhân chắc chắn rất đáng khâm phục và ngưỡng mộ, nhưng những người chấp nhận cúi đầu nhận tội như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định cũng cần được chấp nhận 1 cách cảm phục. Ta bằng họ không khi ta chẳng dám làm, vì chẳng dám làm nên không dám nhận, đó là chuyện của muỗi. Họ đã dấn thân và nay cộng sản dùng gia đình, người thân của họ để uy hiếp đương nhiên họ phải xót. Nhưng còn trên thế nữa, chắc chắn họ hiểu được rằng, muốn làm gì thì trước tiên là phải sống, người chết chỉ nằm yên ăn nhang khói và nghe kinh cầu nguyện thôi, chẳng làm được gì cả đâu. Nhất là trong cái tình trạng hơn 86 triệu dân mà chưa được tới trăm người quả cảm thế này, thì tổn thất bất kỳ ai trong họ sẽ là 1 mất mát vô cùng lớn. Đừng khinh bỉ họ, đừng chửi họ hèn khi mà còn hơn 86 triệu kẻ khác hèn hơn mới khiến họ lâm vào cảnh đó, khi họ chiến đấu để cứu những kẻ còn không dám bảo vệ chính bản thân mình. Giả sử họ thực sự mệt mỏi và buông xuôi, đó cũng là quyền của họ. Họ được phép làm như thế vì chẳng kẻ quái nào trên cuộc đời này được quyền ép họ hi sinh trong khi bản thân mình không dám, chẳng bất kỳ 1 kẻ nào được cái quyền bắt người khác chết để cứu mình cả, kể cả thượng đế.

Về phần tôi, trong số các nhà dân chủ mới bị bắt và “thú tội trong tù” tôi chỉ biết trực tiếp anh Nguyễn Tiến Trung. Khi nghe Nguyễn Tiến Trung phát biểu lần đầu tiên cách đây vài năm, tôi không tin lắm vào lời nói của Trung. Nhưng về sau, gặp anh vài lần và đọc khoảng 20 lần phát biểu khác của Nguyễn Tiến Trung, tôi đã tin tưởng người thanh niên có trái tim yêu nước này. Dĩ nhiên tôi không đồng ý với những lời Nguyễn Tiến Trung mới nói trên TV của chế độ, nhưng chẳng thể nào chỉ vì một lần phát biểu trật vuột giữa tù ngục mà tôi có thể lên án một người bạn. Chẳng thể nào chỉ vì một lần phải nói điều bị ép buộc lại đủ để xóa tan 20 lần bộc bạch tâm hồn trong tự do.

Cách đây một tháng, khi ký tên vào một kiến nghị đòi tự do cho Nguyễn Tiến Trung tôi có viết thêm như sau:

Chúng ta đòi hỏi Nhà Nước CSVN phải trả tự do cho Nguyễn Tiến Trung
Vì anh chỉ tranh đấu cho những quyền căn bản của một con người văn minh
Vì anh là một tấm gương trách nhiệm và dũng cảm của tuổi trẻ Việt Nam
Vì anh là gạch nối cảm thông giữa người Việt ở trong và ngoài nước
Vì tương lai Dân Tộc sẽ tốt đẹp nếu Việt Nam có được nhiều thanh niên như Nguyễn Tiến Trung…

Bởi lẽ đó, những “lời thú tội” mới đây của Nguyễn Tiến Trung trong nhà tù chế độ, cho dù có xẩy ra năm hay bẩy lần nữa, cũng không làm tôi thay đổi quan điểm về người thanh niên thiện chí và dũng cảm này. Tôi sẽ tiếp tục đặt niềm tin nơi anh khi anh ra khỏi nhà tù CSVN.

Về phía chế độ CSVN, sự việc họ rêu rao chuyện bốn nhà dân chủ nhận tội và xin khoan hồng lên truyền hình cho thấy đầu óc của những con người vẫn đứng yên với thời Stalin và “Cải cách ruộng đất”, không mở mang thêm được chút nào sau hơn nửa thế kỷ tiến hoá của nhân loại. Dưới thời Stalin tại Liên sô, đã có biết bao nhiêu tù nhân, một khi vào tù, đã thú nhận phạm những tội tày trời mà ai cũng biết không liên hệ gì tới đời sống của họ. Tại Việt Nam, dưới thời “Cải cách ruộng đất”, người ta cũng đã thành khẩn gian dối kết tội nhau! Vì vậy mà bản tự thú của 4 nhà dân chủ được phổ biến vào ngày 19/8 đã thể hiện bản chất chế độ độc tài CSVN hơn là tâm tư thật của 4 nạn nhân. Lời thú tội về một tội danh vu vơ của 4 nạn nhân trước ông kính truyền hình của Nhà Nước CSVN, không có giá trị pháp lý để kết tội Nguyễn Anh Kim, Nguyễn Tấn Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định, nhưng lại là một bằng cớ quan trọng để kết án chế độ CSVN và những kẻ đang cầm đầu chế độ này.

Tôi xin kết thúc bài nhận định này bằng lời nhắn gửi tới thân nhân của bác Trần Anh Kim, anh Nguyễn Tấn Trung, ông Trần Huỳnh Duy Thức và Ls Lê Công Định. Quý vị là những người đang bị nhiều dằn vặt và trong hoàn cảnh khó ăn khó nói. Cá nhân tôi, và tôi tin là còn rất nhiều người Việt Nam khác, cảm thông với quý vị. Tôi có thể đoan chắc là cảm tình và sự kính trọng chúng tôi dành cho người thân của quý vị trong suốt thời gian qua không thể mai một chỉ vì một lời thú tội của họ trước ống kính truyền hình trong khi họ đang bị tù đầy bởi chế độ CSVN. Tốt nhất chúng ta hãy cùng coi những lời nhận tội vô giá trị đó như không có và “Không ném cho công an CSVN một thắng lợi quá dễ dàng”!

Hoàng Cơ Định
hoangcodinh@jps.net


Còn ai KHÔNG chống nhà nước CHXHCNVN?

17/07/2009
JPEG - 27.4 kb

Đọc xong bản Kết luận Điều tra dài hơn 6500 chữ của Bộ Công An CSVN về 6 nhà dân chủ bị bắt vào tháng 9/2008, người ta vẫn không hiểu nổi thực sự họ đã làm gì sai trái. Nói cách khác, nếu gọi các dẫn chứng trong tài liệu này là chứng cớ phạm pháp, thì có lẽ chẳng ai đang sống tại Việt Nam mà lại không phạm tội “đã hoặc đang chống lại nhà nước CHXHCNVN”.

Thật vậy, nhóm chữ “chống nhà nước CHXHCNVN” được nhắc đi nhắc lại đến 40 lần trong bản điều tra, như là cách để cố tạo ấn tượng mà Bộ Công An CSVN muốn gán ghép, khi mà bản điều tra không đưa ra được bất cứ lý lẽ hay bằng chứng thuyết phục nào. Toàn bộ sự việc khá đơn giản. Các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn đã bàn tính thực hiện và giúp nhau treo một biểu ngữ tại cầu vượt Lai Cách, thuộc tỉnh Hải Dương, vào ngày 7/9/2008 với nội dung: “Khối 8406. Lạm phát, dân nghèo khó là do chính quyền cộng sản; mất dân chủ, tự do, nhân quyền là do chính quyền cộng sản, yêu cầu đa nguyên, đa đảng”. Bên cạnh đó, cả 6 nhà dân chủ này đều tàng trữ, viết và đăng trên mạng Internet một số những bài phân tích ý nghĩa các biến cố lịch sử cận đại của đất nước, cùng nhiều bài khác phân tích về nguyên nhân các tệ nạn đang lan tràn trong xã hội Việt Nam và tình trạng dâng nhượng dần đất, biển, đảo, v.v. cho Trung Quốc; mà trong đó những người lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN vừa chẳng có khả năng tự giải phẫu để chấm dứt tình trạng tham nhũng trong tận xương tủy của họ, vừa phải chịu trách nhiệm chính về việc mất đất mất biển. Toàn bộ sự kiện chỉ có thế! Tại các nước tự do, dân chủ, tất cả những việc vừa kể đều chỉ là các sinh hoạt bình thường của học sinh trung học và đại học, được nhà trường khuyến khích.

JPEG - 35.4 kb

Chính vì vậy mà công luận thế giới không thể hiểu nổi:

- Tại sao một đảng luôn tuyên bố họ là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước Việt Nam, mà lại không nhận trách nhiệm về tình trạng lạm phát, nghèo khó, tụt hậu, băng hoại hiện nay? Các phân tích nguyên nhân những sự tiêu cực đó sai chỗ nào?

- Tại sao một nhà nước sau hơn 30 năm diệt trừ tham nhũng, và đã rất nhiều lần thú nhận tệ trạng này chỉ tăng chứ không giảm; nay lại truy tố những người chỉ ra sự bất lực đó?

- Tại sao người Việt suy nghĩ và kêu gọi mọi người cùng soi rọi lại lịch sử Việt, lại bị coi là hành vi “chống nhà nước CHXHCNVN”?

- Và tại sao ngay cả sự tuyên nhận “Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam” mà cũng bị kết án là “chống nhà nước CHXHCNVN”? Như vậy, nhà nước đó là… nhà nước Tàu hay Việt?

- v.v…

JPEG - 25.8 kb

Quan trọng hơn nữa, nếu xem các bài nhận xét, phê bình, vạch ra sự thật lịch sử của 6 nhà dân chủ nêu trên là phạm pháp, thì Bộ Công An phải bắt thêm rất nhiều thành phần cũng phạm pháp tương tự. Trước hết là tất cả nhân viên các báo, đài, vì đã đăng tải nhiều bài vở công nhận những tệ nạn xã hội, đặc biệt là các vụ tham nhũng. Kế đến là các nhà nghiên cứu sử sách, vì đã dám tìm hiểu, phân tích thêm những sự kiện mà Đảng đã từng đưa ra quan điểm. Sau đó, là bắt các đại biểu quốc hội đã dám phát biểu nêu vấn đề với nhà nước, và bắt luôn những đại biểu khác đã cầm đọc các bài phát biểu đó. Nhưng, có lẽ “phạm pháp nặng nhất” và cần phải bắt nhất, là các lãnh tụ đảng và nhà nước; hễ đọc diễn văn là họ phê phán khuyết điểm của hết cơ quan này đến ban ngành nọ. Vì lời nói của họ có trọng lượng, nên “sự nói xấu nhà nước CHXHCNVN” của họ được loan tải rộng rãi hơn. Và còn nhiều thành phần khác nữa, chẳng hạn dân vỉa hè uống cà phê chửi đổng nhà nước… Tuy những chửi bới đó chưa được hệ thống hoá, nhưng đều vi phạm điều 88 bộ luật hình sự.

Nếu Bộ Công An không bắt các thành phần nêu trên thì cả thế giới đều thấy rõ điều 88 bộ luật hình sự chỉ là cái cớ để nhà nước CSVN dùng luật pháp của chế độ độc tài một cách tuỳ tiện nhằm khủng bố các tiếng nói công chính.

Cũng qua bản kết luận điều tra này, Bộ Công An xác nhận với thế giới câu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chỉ là… khẩu hiệu xuông. Trong thực tế người dân chẳng được quyền “đề biết, để bàn”, chứ đừng nói đến “để kiểm tra”. Vì ngay cả việc “dân biết” thì người dân cũng đã không được “biết” nhiều điều cần biết; hoặc chỉ được biết theo cách nhà nước muốn. Nếu tự tìm hiểu thêm thì mọi công dân đều có thể bị chụp mũ theo luật 88 tội tàng trữ “tài liệu có nội dung chống nhà nước”, ngay cả khi tài liệu đó do chính mình viết ra… Qua đến khâu “dân bàn” thì càng khó hơn. Nếu dân muốn “bàn” với nhiều người dân khác thì “bàn” bằng cách nào? Khi mà cả 700 tờ báo, đài đều chỉ có một tổng biên tập? Một vài nhà báo vừa mới vào đề, chưa kịp “bàn”, đã bị thu hồi thẻ nhà báo, hay bị “chuyển công tác”. Tóm lại, những phản biện cần thiết đều không có chỗ “để bàn”, còn các lời bàn xuôi thì đã có cả một đội ngũ thợ viết chăm lo. Từ đó mới hiểu tại sao 6 nhà dân chủ đành phải dùng cách treo biểu ngữ và tung tờ rơi.

Chính vì vậy, bản kết luận điều tra này sẽ là một bằng cớ trên giấy trắng mực đen về mức độ vi phạm trắng trợn của lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đối với quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.

JPEG - 14.1 kb

Sau hết, về tính chuyên môn nghề nghiệp, ai đọc bản kết luận điều tra này đều thấy rõ sự cố tình bôi bẩn ý nghĩa việc làm của 6 nghi can, bằng cách gắn liền từng người, từng hoạt động của họ với các khoản tiền vài trăm ngàn đồng VN, nhằm cố tạo ấn tượng là họ làm chỉ vì tiền. Nhưng chính vì sự gán ghép những món tiền cỏn con này và sự khủng bố của guồng máy công an, mà công luận quốc tế, đặc biệt là giới điều tra cảnh sát, thấy ngay sự khôi hài, hạ cấp, và non nớt của bản điều tra do một ban ngành chuyên môn của CSVN làm ra.

Chắc chắn không chỉ người Việt Nam mà cả thế giới tự do đều sẽ thấy 6 nhà dân chủ – Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn – không chỉ hành xử đúng đắn quyền tự do ngôn luận của mình, mà còn là những người tiên phong trong nhận thức: “chống những người cầm quyền bất xứng không phải là chống lại đất nước”. Ngược lại, chính vì thiết tha với vận mạng đất nước mà họ phải chặn đứng bàn tay của những kẻ cầm quyền bất xứng, đang bán rẻ giang sơn và coi thường dân tộc. Trong những năm tháng trước mặt, chính những kẻ sắp áp đặt các bản án bất công lên những nhà ái quốc này; từng tên một, sẽ phải ra đứng trước tòa của toàn dân về những trò khủng bố người yêu nước hôm nay!

Vũ Thạch


Đàn Áp Không Thể Hiện Sức Mạnh

08/07/2009

20090709-Dan Ap Khong The Hien Suc ManhTrong bốn tuần lễ vừa qua tình hình Việt Nam có nhiều sự kiện đáng ghi nhận. Vào đầu tháng 6, CSVN “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định, một nhân vật chẳng những được nhiều người Việt ở trong và ngoài nước biết đến, mà còn là khuôn mặt quen thuộc của nhiều chính giới ngoại quốc. Trước vụ bắt ông Định, nhà nước đã bắt giam ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân ở Sài Gòn. Sau vụ bắt ông Định, họ bắt thêm 3 người nữa là ông Lê Thăng Long, bà Trần Thị Thu và bà Lê Thị Thu Thu. Trong số những vụ bắt bớ vào dịp này, việc bắt ông Lê Công Định làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ hải ngoại cũng như quốc tế. Nhưng chỉ một tuần sau đó, công an tuyên bố luật sư Định đã nhận tội và xin khoan hồng. Đầu tháng 7, có thêm 2 người nữa bị bắt giữ, đó là anh Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim, mà nhà nước nói rằng họ có bằng chứng buộc tội căn cứ theo lời khai của luật sư Định.

Ls. Lê Công Định bị bắt ngày 13-06-2009

Ls. Lê Công Định bị bắt ngày 13-06-2009

Trước những vụ bắt bớ này, nhiều người đã nhận định về một “làn sóng đàn áp mới”, mà con số người bị bắt giữ sẽ nhanh chóng vượt qua con số 7 tính đến hôm nay. Tuy nhiên, đã biết về bản chất của chế độ độc tài, người ta hiểu rằng việc đàn áp những người đối kháng vốn là nhiệm vụ trường kỳ của guồng máy công an. Để bảo vệ ngôi vị thống trị, họ không thể dung nạp những tiếng nói đối kháng. Và vì thế, việc bắt giữ những người yêu dân chủ chỉ là công việc trước hay sau. Nếu nó phải ngưng nghỉ là do áp lực của quốc tế và người dân, chứ chẳng phải là do sự bầy tỏ thiện ý của chế độ. Dư luận cũng đưa ra nhiều dự đoán về nguyên do của những vụ bắt bớ này.

Dự đoán đầu tiên, căn cứ vào những chi tiết do công an phổ biến, cho rằng việc bắt giữ nhằm ngăn chặn sự ra đời của đảng Lao Động và đảng Xã Hội, có nguy cơ phá vỡ bối cảnh độc quyền chính trị của đảng cộng sản hiện nay. Báo chí nhà nước nói rằng luật sư Định đã tham dự một khoá huấn luyện bất bạo động do đảng Việt Tân tổ chức ở Thái Lan. Ông cũng tham gia và là thành viên cao cấp của đảng Dân Chủ Việt Nam, góp phần soạn thảo một bản “tân hiến pháp” cho đảng này. Từ những chứng cứ trên, cơ quan công tố CSVN đã ký lệnh truy tố ông Định về tội danh “chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa”, căn cứ theo điều 88 của bộ luật hình sự CSVN.

Ls. Cù Huy Hà Vũ

Ls. Cù Huy Hà Vũ

Sự truy tố này cho thấy CSVN đã “tiến bộ giật lùi”. So với thủ đoạn giấu súng đạn vào vali của du khách để vu vạ là bắt được khủng bố của 2 năm về trước, thì lý luận “khủng bố bằng đấu tranh bất bạo động” lần này vừa ngớ ngẩn vừa thiếu kín đáo. Cũng như thế, việc gán ghép hành động chuẩn bị sự ra đời của 2 đảng Lao Động và Xã Hội là “chống phá nhà nước” vừa cho thấy sự bế tắc của cơ quan tuyên truyền nhà nước, vừa thể hiện trắng trợn thái độ khinh thường trình độ nhận thức của người dân. Nó còn cho thấy sự phá sản của chính sách “một mình một chợ” của đảng cộng sản. Hơn nửa thế kỷ trước, họ đã nhào nặn lên 2 đảng Dân Chủ và Xã Hội để làm bình bông trang trí cho sự cầm quyền độc tài của đảng cộng sản, tha hồ tô vẽ cho 2 đảng bù nhìn này những vai trò kệch cỡm. Ngày nay, như ngôn ngữ dân gian thường nói: “âm binh đã vật lại phù thủy”, cộng sản chẳng những đã phải thủ tiêu 2 đảng bù nhìn nói trên, núp dưới tấm bảng “không cần đa đảng”, mà vẫn nơm nớp lo sợ những người dân chủ xây dựng đảng phái chính trị để hình thành bối cảnh sinh hoạt đa nguyên. Tình hình đúng là đã xoay chuyển 180 độ, nghiêng thuận lợi về phong trào dân chủ.

Một dự đoán khác căn cứ vào những biến chuyển hiện nay ở Việt Nam, mà đề tài bauxite chiếm vị trí hàng đầu. Có thể nói sau Hoàng Sa, Trường Sa, thì Bauxite Tây nguyên là vấn đề được người Việt quan tâm hơn hết, và cũng là chủ đề khiến nhiều thành phần người Việt khác nhau, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cộng sản, có lập trường gần gũi với nhau nhất. Lập trường đó là kiên quyết chống đối thái độ khiếp nhược của CSVN trước Trung cộng. CSVN đã để mất Hoàng Sa, Trường Sa, và nay vùng Tây nguyên cũng có nguy cơ bị Trung cộng khống chế. Hình ảnh lính Trung cộng trấn đóng những hòn đảo ngoài biển Đông, và nay, những “tô giới” của Trung cộng xuất hiện ở Sài Gòn, Hải Phòng, Đăk Nông… khiến lòng căm phẫn của người dân đã lên đến cao độ. Trong bối cảnh đó, vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ khởi kiện thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên một giới chức cao cấp nhất của CSVN bị khởi kiện đích danh và công khai, và về một chủ đề đang nóng bỏng. Cho dù “luật rừng” của CSVN khiến người ta dễ liên tưởng đây là một vụ “con kiến kiện củ khoai”, nhưng hành động của luật sư Cù Huy Hà Vũ đã thể hiện thái độ “không sợ hãi” của người dân trong nước. Đây là yếu tố căn bản để từ đó người dân Việt Nam sẽ đứng lên đòi lại quyền làm chủ đất nước của mình. Như thế, trong khi chế độ chưa tìm được cách hoá giải thế kẹt hiểm hóc này, thì việc bắt giữ luật sư Lê Công Định được coi là để lái dư luận về một hướng khác, ít nguy hiểm hơn.

Cho dù phát xuất từ động lực nào, việc bắt bớ của CSVN cũng chỉ cho thấy hoàn cảnh suy yếu của họ. Từ xa xưa, việc “trị nước” vẫn cốt ở chuyện “yên dân”, và một vị vua nhân đức vẫn thường được ca ngợi đến muôn đời. Ngược lại, những chế độ bạo tàn thường chấm dứt ngay sau khoảng thời gian họ xử dụng hết mọi hình thức bạo lực. Có một bài học mà những nhà độc tài chỉ hiểu ra được khi họ đã bị mất ngôi: đó là khi người ta không còn sợ hãi, thì không bạo lực nào có thể đàn áp được họ. Nhìn lại còn đường phát triển của phong trào dân chủ Việt Nam, dù là con đường thiên lý và không ít chông gai, nhưng những tổn thất không bao giờ làm cho những người yêu nước sờn lòng. Trong một chế độ mà nhà tù nhiều hơn trường học như ở Việt Nam hiện nay, những người yêu dân chủ không phải là không nhìn thấy những gian nguy, bất trắc đang chờ đợi họ, nhưng như anh Đỗ Nam Hải đã từng nói: “tôi thà bước vào nhà tù nhỏ để dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi nhà tù lớn”, hay như một nhà dân chủ khác, bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã viết ngay bài “Hãy bắt tôi đi” chỉ 3 ngày sau khi công an tống giam luật sư Lê Công Định, thì người ta sẽ hiểu rằng, nếu CSVN định xử dụng những vụ bắt bớ hiện nay để ngăn chặn hay đe dọa những người yêu nước, thì họ đã chỉ làm một việc phản tác dụng.

Nguyễn Tiến Trung bị bắt ngày 7-7-2009

Nguyễn Tiến Trung bị bắt ngày 7-7-2009

Với hiểm họa Trung cộng càng ngày càng thể hiện trước mắt qua những hành động ngang ngược như cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển Đông, bắt giữ ngư phủ để đòi tiền chuộc, và ngày hôm qua, viên tham tán toà đại sứ Trung cộng tại Hà Nội đã lớn tiếng dậy dỗ đòi “khuyến cáo, nhắc nhở, cảnh thị” báo VietnamNet của CSVN, vì tờ này đã tường thuật một cuộc thảo luận phê bình “hàng Trung quốc kém chất lượng”, thì những ai còn có một chút hồn Việt Nam mà không khỏi cảm thấy tủi nhục? Như thế, trước sự sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn của đất nước, và để Việt Nam được có một ngày mai tươi sáng, bạo lực nào có thể ngăn cản được những tấm lòng như của nhà tranh đấu trẻ Nguyễn Tiến Trung?

Cũng có dự đoán cho rằng việc bắt giữ những người dân chủ vừa qua là để khoả lấp dư luận đang chú mục vào những vụ tham nhũng trên thượng tầng lãnh đạo, vừa bị liên tiếp phanh phui. Nếu quả như vậy thì việc đàn áp những người đối kháng chỉ làm cho người dân thấy rõ thêm là tình trạng tham nhũng chỉ chấm dứt cùng lúc với chế độ cưu mang nó. Với những phanh phui của quốc tế vừa qua, những con hạm gộc đã bị Nhật Bản lôi ra với vụ PCI, Đức phơi bầy vụ công ty Siemens phải “lót tay” cho cán bộ cộng sản, Úc tố cáo vụ hối lộ in tiền Polymer, Mỹ vừa cáo giác vụ Nexus, và Nguyễn Tấn Dũng bị tố ăn 150 triệu đô la trong vụ bauxite… thì chính những người đảng viên cộng sản cũng thấy rõ là chế độ này không còn lý do gì để tiếp tục thống trị người dân.

Nói tóm lại, càng phải xử dụng đến bạo lực, đàn áp, chế độ cộng sản càng phơi bầy tình trạng suy yếu của mình. Và điều đó càng nêu cao chính nghĩa của đường lối đấu tranh bất bạo động của phong trào dân chủ. Sức nóng của ngọn lửa trong tim có khả năng nung chẩy sắt thép của súng đạn. Vấn đề của tất cả mọi người chúng ta là triệu người cùng góp một bàn tay, để xô ngã hòn đá tảng đang cản bước tiến của dân tộc. Tương lai của Việt Nam cần bàn tay của tất cả mọi người, không riêng chỉ những nhà đấu tranh đang ở trong hay ngoài nhà tù nhỏ.

Trần Hùng

08/07/2009